Vừa qua, Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2015. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này trong năm 2015 đã tăng tới 28% so với năm 2014, lên mức 6.382 tỷ đồng. Tuy nhiên, do sáp nhập MHB vào hệ thống nên BIDV phải chịu khoản lỗ lũy kế lên đến 552 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận còn lại năm 2015 của ngân hàng này chỉ ở mức 5.841 tỷ đồng, nghĩa là chỉ tăng 18% so với năm trước đó.
Tổng tài sản của BIDV tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm. Ảnh: Tùng Lâm
Những năm gần đây, BIDV là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Chỉ sau vỏn vẹn 4 năm, BIDV đã gia tăng gấp đôi tổng tài sản của mình, từ mức 405 nghìn tỷ đồng đầu năm 2012 lên mức 850 nghìn tỷ đồng cuối năm 2015. Trong khi đó, VietinBank và Vietcombank phải mất tới 5 năm để làm được điều tương tự. Không những vậy, tăng trưởng doanh thu, trong đó chủ yếu là thu nhập lãi thuần của BIDV cũng tăng rất nhanh và ổn định. Kể từ năm 2006 cho đến nay, thu nhập lãi thuần của BIDV luôn luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần trung bình hàng năm của BIDV giai đoạn 2006 - 2015 là 28,3%.
Nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: Internet
Trong bức tranh đầy dấu hiệu tích cực của BIDV về tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu cũng như tổng tài sản, vẫn tồn tại dấu hiệu tiêu cực mang tên nợ xấu. Nợ có khả năng mất vốn của BIDV trong năm 2015 tăng vọt 59%, từ mức 3.266 tỷ đồng lên mức 5.193 tỷ đồng. Như vậy, BIDV không nằm ngoài xu thế gia tăng nợ xấu đang lan tràn khắp các ngân hàng lớn. Nợ có khả năng mất vốn trong năm 2015 của Vietcombank, VietinBank, Sacombank đều tăng mạnh, lần lượt ở mức 58%, 34% và 300%.
Kết thúc năm 2015, mức thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên BIDV đạt khoảng 19 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với năm 2014.
Tùng Lâm