BIDV, Agribank bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng xuống "tiêu cực"

Tuần qua, Agribank, BIDV cùng 16 ngân hàng khác bị Moody’s hạ bậc triển vọng tín nhiệm xuống "tiêu cực". Đồng thời, Agribank, Vietcombank, VBSP sẽ bị Kiểm toán trong năm 2020...

Agribank, BIDV,...bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng xuống "tiêu cực"

Theo Zing đưa tin, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ("Moody's") vừa công bố về việc hạ tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt Nam.

BIDV, Agribank bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng xuống "tiêu cực" - Ảnh 1

18 ngân hàng bị điều chỉnh đợt này là: ABBank, ACB, Agribank, BIDV, HDBank, Lienvietpostbank, MBBank, MSB, NamABank, OCB, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, Vietinbank và VPBank.

Cụ thể, đối với 10 trong số 18 ngân hàng, Moody's đã xác nhận xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn của các ngân hàng, thay đổi triển vọng của các xếp hạng này thành tiêu cực khi xem xét để hạ cấp.

Trong số 10 ngân hàng, Moody's đã xác nhận đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và điều chỉnh BCA của 4 ngân hàng, cũng như đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (Đánh giá CR) và Xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.

Đối với 5 trong 18 ngân hàng, Moody's đã xác nhận xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của các ngân hàng và thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của ngân hàng thành tiêu cực từ xếp hạng để xem xét hạ cấp.

Đồng thời, Moody's cũng đã xác nhận các đánh giá CR và CRR dài hạn của 3 ngân hàng còn lại.

Việc thay đổi xếp hạng là kết luận đánh giá của Moody's đối với 18 ngân hàng được tổ chức này khởi xướng từ ngày 10/10/2019, sau khi Moody's cho biết sẽ cân nhắc hạ bậc triển vọng Việt Nam vào ngày 9/10/2019.

Moody’s lý giải, triển vọng tiêu cực phản ánh một số rủi ro chậm trễ thanh toán liên tục đối với một số nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong trường hợp không có các biện pháp hữu hình và quan trọng để cải thiện sự phối hợp, minh bạch trong quản lý nợ.

Agribank, Vietcombank, VBSP nằm trong "tầm ngắm" kiểm toán

BIDV, Agribank bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng xuống "tiêu cực" - Ảnh 2

An ninh Thủ đô đưa tin, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký và ban hành quyết định số 1866/QĐ-KTNN về “Kế hoạch kiểm toán năm 2020” của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Đáng chú ý, trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN sẽ thực hiện 15 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng nhà nước; 12 Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước và 3 ngân hàng thương mại (NHTM), lần lượt là ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP).

Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của 3 NHTM trên để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Được biết, trong năm 2019 Agribank, Vietcombank, VBSP đều công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận khủng.

BIDV, Agribank bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng xuống "tiêu cực" - Ảnh 3

Tại Agribank, 9 tháng đầu năm 2019 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 9.700 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng này đạt 1.398.110 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1.285.356 tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.120.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi các ngân hàng quy mô nhỏ đang chạy nước rút để tuân thủ Basel II thì ngân hàng lớn như Agribank vẫn đứng ngoài cuộc và chưa sẵn sàng áp dụng Basel II.

Hiện tại, tiến độ cổ phần hóa Agribank bị chậm. Năm 2020, theo danh sách Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt, ngân hàng này phải thực hiện xong. Dù vậy, hiện chưa có cơ sở nào để khẳng định chắc chắn sẽ đúng hẹn.

Tại Vietcombank, đến cuối tháng 9/2019, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 998.247 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ.

Dù lợi nhuận khủng nhưng nợ xấu tại Vietcombank đang tăng đáng kể. Thời điểm cuối quý 3/2019, tổng nợ xấu tại Vietcombank đạt 7.625 tỷ đồng, chiếm 1,08% tổng dư nợ tín dụng. Con số 1,08% tuy không lớn nhưng so với chính bản thân Vietcombank, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Tổng nợ xấu tăng 1.410 tỷ đồng, tương ứng 22,5% so với hồi đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1% lên 1,08%.

Tại VBSP, đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của VBSP đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Sacombank, Agribank bị bỏ lại trong cuộc đua Basel II?

BIDV, Agribank bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng xuống "tiêu cực" - Ảnh 4

Chưa đến 10 ngày nữa là kết thúc năm tài chính 2019 và cũng là lúc thời hạn áp dụng của Thông tư 41 có hiệu lực, nhưng Agribank, Sacombank đến nay vẫn chưa áp dụng Basel II thành công.

Tính tới thời điểm này, đã có tổng cộng 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, ACB, MSB, VPBank, MB, Techcombank, Maritime Bank, HDBank, TPBank, SeABank, VietCapital Bank, VietBank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV.

Có thể dễ dàng nhận thấy còn rất nhiều ngân hàng, trong đó có cả các ngân hàng lớn như Agribank, Sacombank… vẫn đứng ngoài cuộc và chưa sẵn sàng áp dụng Basel II.

Trường hợp của Sacombank, đến thời điểm này, ngân hàng chưa công bố thông tin nào về việc triển khai áp dụng Basel II. Tuy vậy, Sacombank cho biết sẽ thực thi thông tư 41 theo đúng lộ trình qui định của NHNN từ ngày 1/1/2020.

Ngân hàng đang thực hiện đồng bộ các dự án theo tiêu chuẩn Basel II như dự án hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro, mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng, nâng cấp và hoàn thiện khung quản lý tài sản có - tài sản nợ (ALM), nâng cấp khung kiểm toán nội bộ, nâng cấp mô hình định giá và xây dựng mô hình tính toán vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường... Các hoạt động này nhằm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vận hành chuẩn mực, an toàn và hiệu quả.

Với quy mô tổng tài sản trong top lớn nhất nhóm cổ phần tư nhân, vấn đề của Sacombank nằm ở chất lượng tài sản. Những năm qua, Sacombank liên tục phải xử lý các tài sản xấu được hình thành sau khi nhận sáp nhập Southernbank. Trong quá trình xử lý nợ xấu, Sacombank được áp dụng “cơ chế đặc biệt” từ NHNN để hạch toán.

BIDV, Agribank bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng xuống "tiêu cực" - Ảnh 5

Tính đến cuối quý 3, số dư trái phiếu VAMC của Sacombank đã giảm 16%, xuống còn 31,6 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 2%. Song song với đó, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thanh lý tài sản đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sacombank cho biết đã thành công xử lý khoản tài sản tồn động xấp xỉ 11 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, quy mô các khoản phải thu lớn, chiếm khoảng 10% tổng tài sản cho thấy ngân hàng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi áp dụng Basel II.

Đối với Agribank, trong khi các ngân hàng quy mô nhỏ đang chạy nước rút để tuân thủ Basel II thì ngân hàng này vẫn đứng ngoài cuộc và chưa sẵn sàng áp dụng Basel II.

Cũng như nhiều nhà băng khác, khó khăn về tăng vốn khiến Agribank đứng ngoài cuộc chơi Basel II.

Nhà nước nắm 100% vốn của Agribank, trong nhiều năm liền ngân hàng cũng không được phép giữ lại lợi nhuận, nhà băng chỉ có thể tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Tính đến cuối tháng 6/2019, vốn điều lệ của Agribank là 30.496 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục