Bia Sabeco bị kiện vì khách hàng cho rằng 'sản phẩm có mùi hôi'

Cho rằng mua phải sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho bản thân nhưng không được giải quyết quyền lợi thỏa đáng, ông Nguyễn Phương Du đã khởi kiện Sabeco ra tòa.

Mới đây, TAND quận 5 (TP.HCM) đã có quyết định thụ lý đơn khởi kiện của ông Nguyễn Phương Du (ngụ phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM) đối với Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Bia Sabeco bị kiện vì khách hàng cho rằng 'sản phẩm có mùi hôi' - Ảnh 1
Thông báo thụ lý vụ án của TAND quận 5.

Trong đơn khởi kiện ông Du đề nghị Tòa buộc Sabeco bồi thường thiệt hại gồm: Trị giá chai bia nhãn hiệu Sài Gòn Đỏ là 10,5 nghìn đồng; Tổn thất tinh thần tương đương 10 tháng lương tối thiểu tại khu vực TP.HCM là 39,8 triệu đồng. Tổng 2 khoản bồi thường là 39,81 triệu đồng.

Buộc Sabeco đăng xin lỗi công khai ông Nguyễn Phương Du với tư cách người tiêu dùng, trên 3 số báo liên tục, với bốn tờ báo.

Theo đơn của ông Du, đầu tháng 9/2018, khi ông mua một két bia Sài Gòn đỏ về uống thì khui phải 1 chai bia chỉ có khoảng 1/2 lượng nước bia và có mùi hôi nồng nặc. Tiếp đó, ông Du còn phát hiện 1 chai bia còn nguyên nắp, nguyên tem nhưng bên trong chỉ có 1/4 chất lỏng. Trong khi đó chai bia này có hạn sử dụng đến năm 2019.

Ông Du cho rằng, rất có thể nước trong chai là bia cũ, nhưng công nhân của nhà máy vẫn đưa vào đóng nắp, không qua khâu sục rửa. Hoặc cũng có khả năng, nước trong chai là loại dùng để sục rửa chai. Ngay sau đó, ông Du có phản ánh sự việc tới Sabeco. Tuy nhiên, hơn nửa tháng sau, ngày 26/9, đại diện Sabeco mới tới gặp ông Du để ghi nhận vụ việc.

Sau đó, ông Dương Văn Minh (Phó ban Pháp chế - Kiểm soát nội bộ) hứa hẹn với ông Du sẽ cùng ông Du mang chai bia đi kiểm định để xác định chai bia này là của Sabeco hay là bia giả và trong chai là bia hay nước hoặc hóa chất gì.

Tuy nhiên, sau đó phía Sabeco không thực hiện lời hứa này khiến ông Du bức xúc. “Việc tôi là người tiêu dùng, mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng hàng hóa, như mô tả ở trên đã gây thiệt hại cho tôi”, ông Du trình bày trong đơn.

Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm TVPL - Hội Luật gia Việt Nam), người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại khi mua phải sản phẩm sai lỗi theo qui định tại Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2015 về Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng qui định các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng và với xã hội khi sản phẩm có vấn đề.

Việc nhà sản xuất phải bồi thường cho người tiêu dùng, theo tôi không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm sai lỗi (nếu có) mà còn có ý nghĩa thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Theo BVPL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục