Ngày 21/8 vừa qua, Chi cục Hải Quan Vinh (Cục Hải quan Nghệ An) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 152,9 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Trung Đô (Trung Đô, mã chứng khoán: TDF). Cụ thể, Trung Đô bị xử phạt do khai sai so với thực tế về mã số hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp; khai sai về trị giá hải quan, mã số hàng hoá, thuế suất dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp bị phát hiện khi thanh tra đối với hàng hoá đã thông quan. Đặc biệt, Trung Đô phải chịu tình tiết tăng nặng bởi đã vi phạm các lỗi trên nhiều lần.
Theo tìm hiểu của PV, Trung Đô tiền thân là CTCP Xây dựng số 6, được thành lập vào tháng 2/2006 và chính thức đổi tên vào tháng 5/2008. Tính đến ngày 30/6/2023, công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (10,07%); ông Nguyễn Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT, nắm 15,75%), bà Nguyễn Thị Mỹ Cảnh (19,07%); bà Nguyễn Hoàng Phương Nga (13,51%) và các cổ đông khác (41,60%).
Báo cáo tài chính tổng hợp giữa niên độ năm 2023 đã soát xét của Trung Đô ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 232 tỷ đồng; giảm gần 31% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 180,2 tỷ đồng; giảm 25,6%. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 39,8%; xuống còn 51,7 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, Trung Đô báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 14,5 tỷ đồng, giảm 63,8%; tương ứng chỉ hoàn thành 16,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Giải trình, Trung Đô cho biết lợi nhuận sau thuế giảm do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất chính của công ty là sản xuất vật liệu xây dựng.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của TDF ở mức 1.715,7 tỷ đồng, tăng 6,15% so với số đầu năm. Tài sản ngắn hạn là 621,6 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn hơn 125,8 tỷ đồng. Theo thuyết minh, 123,5 tỷ đồng là các khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn, gồm CTCP Bất động sản Taseco (9,2 tỷ đồng); Công ty TNHH Vĩ Năng (21,5 tỷ đồng) và các khách hàng khác (92,7 tỷ đồng). Ngoài ra, hàng tồn kho hơn 445 tỷ đồng, tài sản cố định hơn 187,5 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 808,5 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Trung Đô ở mức 930,2 tỷ đồng, tăng hơn 85 tỷ đồng, bao gồm nợ ngắn hạn (490,9 tỷ đồng) và nợ dài hạn (439,3 tỷ đồng). Hiện Trung Đô đang có khoản vay ngắn hạn 119,6 tỷ đồng với ngân hàng Vietcombank, được đảm bảo bằng các phương tiện vận tải, máy móc thiết bị,…thuộc sở hữu của công ty. Ngoài ra, Trung Đô cũng vay Ngân hàng Vietinbank 114,8 tỷ đồng, được đảm bảo bằng các hợp đồng thế chấp tài sản.
Hồi tháng 4/2023, HĐQT Trung Đô đã thông qua việc thế chấp tài sản quyền sử dụng đất; các tài sản gắn liền với đất đã hình thành và hình thành trong tương lai; hệ thống dây chuyền sản xuất gạch, máy móc thiết bị khác và phương tiện vận tải… của công ty liên quan đến dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc để đảm bảo toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đầy đủ và đúng hạn của Trung Đô phát sinh từ tất cả các hợp đồng cho vay, hợp đồng cấp bảo lãnh, hợp đồng chiết khấu, hợp đồng bao thanh toán, hợp đồng mua trái phiếu… mà TDF ký với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – CN Vinh.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Trung Đô cũng thông qua tờ trình tiếp tục thực hiện phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ. Theo đó, Trung Đô sẽ chào bán thêm 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 2:1. Giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền thu được là 180 tỷ đồng. Dự kiến sau chào bán, vốn điều lệ của Trung Đô sẽ tăng từ 300 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng