Bị đưa vào diện thanh tra, Xây dựng Minh Tuấn làm ăn ra sao?

Theo kế hoạch năm 2024 của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn là một trong những doanh nghiệp nằm trong diện thanh tra sắp tới.

Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn từng tham gia 77 gói thầu, trúng 62 gói thầu.
Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn từng tham gia 77 gói thầu, trúng 62 gói thầu.

Vừa qua, theo kế hoạch thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của ngành thanh tra tỉnh Thanh Hóa, Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn là một trong những doanh nghiệp lọt vào danh sách thanh tra.

Theo đó, doanh nghiệp này nằm trong danh sách thanh tra về việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước.

Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn (Xây dựng Minh Tuấn) có địa chỉ tại số 45 phố Cao Sơn, phường An Hưng, thành phố Thanh Hoá. Người đại diện pháp luật là Nguyễn Thanh Quân. Doanh nghiệp có ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở.

Xây dựng Minh Tuấn được biết đến là nhà thầu "quen mặt" khi trúng nhiều công trình lớn trên địa bàn Thanh Hoá, phần lớn trong số đó không phải cạnh tranh về giá.

Trong quá trình hoạt động, Xây dựng Minh Tuấn từng tham gia 77 gói thầu, trúng 62 gói thầu. Tổng giá trị trúng thầu hơn 6.765 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 1.641 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 5.123 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2020-2022, doanh thu của doanh nghiệp liên tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu Xây dựng Minh Tuấn đạt 469 tỷ đồng (năm 2020) và 536,2 tỷ đồng (năm 2021, tăng 14,3%). Sau đó, doanh thu tiếp tục tăng thêm 21,6% ở năm 2022, lên mức 638,5 tỷ đồng.

Tuy có doanh thu hàng trăm tỷ giai đoạn 2020-2022 nhưng việc giá vốn cũng neo ở mức cao, khiến cho lợi nhuận gộp của mỗi năm chỉ còn trên dưới 15 tỷ đồng. Trong đó, thấp nhất là năm 2022, chỉ với 13,4 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính cao nhất là năm 2022 cũng chỉ ở mức gần 600 triệu đồng, thì các khoản chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp ở mức khá lớn đã bào mòn gần hết khoản doanh thu thuần mà Xây dựng Minh Tuấn có được. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ở giai đoạn 2020-2022 lần lượt ở các mức 1,33 tỷ đồng, 1,35 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Xây dựng Minh Tuấn giai đoạn 2020-2022 lần lượt đạt các mức 1 tỷ đồng (năm 2020), 1,07 tỷ đồng (năm 2021) và cao nhất là 1,28 tỷ đồng (năm 2022).

Về tài sản, Xây dựng Minh Tuấn có tổng tài sản luỹ tiến giai đoạn từ 2020-2022, tăng từ mức 859,8 tỷ đồng, lên 1.019,9 tỷ đồng và đạt mức 1.182 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn, cụ thể ở các mức 749,4 tỷ đồng (năm 2020, chiếm 87% tổng tài sản), 903,1 tỷ đồng (năm 2021, chiếm 88,5%) và 1.059 tỷ đồng (năm 2022, chiếm 89,6%).

Nợ phải trả của Xây dựng Minh Tuấn đã tăng mạnh trong giai đoạn này, từ 261,1 tỷ đồng (năm 2020) lên mức 586,1 tỷ đồng (năm 2022), tăng gấp 2 lần chỉ sau 2 năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Xây dựng Minh Tuấn duy trì ở mức xấp xỉ gần 600 tỷ đồng.

Nhìn chung, có thế thấy Xây dựng Minh Tuấn có nguồn lực khá vững chắc. Với tỷ lệ tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn cao, doanh nghiệp này có khả năng đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn, như thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, chi phí hoạt động hàng ngày,…

Song, khả năng sinh lợi là vấn đề cần được tính toán lại đối với một doanh nghiệp đã có hơn 15 năm kinh nghiệm như Xây dựng Minh Tuấn. Bởi trong giai đoạn 2020-2022, tỷ suất sinh lời trên số vốn sở hữu (ROE, lợi nhuận sau thuế/vốn sở hữu) cao nhất cũng chỉ ở mức 0,22%. Chưa kể, những năm trước đó, mức lợi nhuận cao nhất cũng chỉ nhỉnh hơn 1 tỷ đồng (năm 2019).

An Chi

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục