Bí ẩn ông chủ Central Capital

Central Capital là sự kết hợp giữa 2 nhóm cổ đông: một bên có kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS, một bên có nguồn lực và quan hệ rộng khắp trong lĩnh vực ngân hàng.

Cổ phiếu KPF đang trải qua chuỗi tăng điểm "điên rồ" trên sàn HoSE, chốt phiên 26/8 ở mức 20.800 đồng/CP, tăng gấp đôi trong hơn 2 tuần qua và thiết lập mức đỉnh kể từ đầu năm 2018.

KPF tăng đột biến trong bối cảnh không có tin tức chính thống hỗ trợ, tuy nhiên chắc hẳn có liên hệ tới đợt tăng vốn mà doanh nghiệp này đang tiến hành.

Như đã đề cập trong kỳ trước, 2 nhà đầu tư chiến lược, đăng ký mua tổng cộng 46,1 triệu cổ phiếu KPF trong đợt phát hành riêng lẻ hiện nay đều có nhiều liên hệ tới bà Trần Thị Dịu Hòa (SN 1982) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Central Capital - tập đoàn được cho là đứng sau KPF.

Nhóm Central Capital bắt đầu "vào" KPF từ giai đoạn 2016-2017, và không mất nhiều thời gian để kiểm soát hoàn toàn doanh nghiệp này. 5/5 thành viên HĐQT KPF hiện tại đều có liên hệ mật thiết tới nhóm Central Capital, là các ông/ bà Vũ Ngọc Hoàng, Lâm Thị Mỹ Hà, Đinh Kim Nhung, Phạm Nguyễn Thoa và Nguyễn Tuấn Anh.

Trong đó, bà Thoa - thành viên độc lập tại KPF là cựu Giám đốc và là cổ đông sở hữu 30% cổ phần Công ty TNHH Bất động sản Cam Lâm - một pháp nhân có liên hệ tới Central Capital. Còn ông Nguyễn Tuấn Anh hiện đứng tên tại CTCP Đầu tư và Tư vấn Bất động sản Tâm An - doanh nghiệp được thành lập bởi ông Lê Thanh Tuấn (SN 1989) - một trong 3 cổ đông sáng lập của Central Capital. Ngoài ra, hai nhân vật chủ chốt là ông Vũ Đức Toàn và bà Trần Thị Dịu Hòa, sẽ được đề cập chi tiết trong phần sau.

Sau khi thâu tóm KPF - một nhà phát triển bất động sản trên sàn HoSE, từ năm 2020, nhóm Central Capital bắt đầu dành sự quan tâm lớn đối với CTCP Địa ốc Tân Kỷ (mã TKC) - một nhà thầu nhỏ đang niêm yết trên sàn HNX. Quá trình thâu tóm cơ bản hoàn tất vào đầu năm 2022, khi ĐHĐCĐ bất thường của TKC đã bầu ra HĐQT mới, trong đó 3/5 vị trí là người của nhóm Central Capital, gồm các ông Lê Đại Nghĩa, Trần Trọng Dũng và Trần Đức Vinh - anh trai của bà Trần Thị Dịu Hòa.

Ông chủ thực sự của Central Capital

Theo giới thiệu, Central Capital hiện có 600 nhân sự, hiện diện tại các thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh - Khánh Hòa và Tp.HCM, với tổng quỹ đất hơn 300 ha, cung cấp 7.300 sản phẩm ở nhiều phân khúc và trị giá tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Một số dự án nổi bật mà Central Capital đã và đang triển khai là tòa nhà văn phòng thương mại 20-22-24 Đông Du, P. Bến Nghế, quận 1, Tp.HCM, dự án tòa nhà hỗn hợp diện tích khoảng 0,63 ha tại Km9 đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hồ Tùng Mậu Tower - một trong số các dự án do Central Capital đầu tư phát triển. (Ảnh: Central Capital)

Hồ Tùng Mậu Tower - một trong số các dự án do Central Capital đầu tư phát triển. (Ảnh: Central Capital)

Ngoài ra, còn rất nhiều dự án khác nằm trên cả nước có liên hệ tới Central Capital tuy nhiên chưa được tập đoàn này chính thức giới thiệu. Ví dụ như Prime Resort & Hotels Cam Ranh (13,08ha), dự án Sa Huỳnh Aurai Resort (92,48ha), Da Nang Silk Tower 1, Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng, dự án Khu dân cư sinh thái Vườn Tài, khách sạn Mỹ Thuyên, The Pearl Hội An quy mô 8,78ha ở Tp.Hội An...

Đà nổi lên nhanh chóng thời gian qua, đặc biệt với dấu ấn tại những KPF hay TKC của nhóm Central Capital thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư về chân dung ông chủ thực sự đứng sau tập đoàn này.

Công ty TNHH Đầu tư Central Capital được thành lập cuối năm 2018, với 3 cổ đông sáng lập là bà Trần Thị Dịu Hoà (30% cổ phần), ông Vũ Đức Toàn (40%) và ông Lê Thanh Tuấn (30%). Hiện Central Capital có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ông Vũ Đức Toàn là Chủ tịch HĐQT, trong khi bà Dịu Hòa đảm trách vai trò Tổng Giám đốc.

Bà Dịu Hòa được biết đến nhiều với vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O JSC) - chủ đầu tư một số dự án bất động sản ở khu vực phía Nam. Bà rút khỏi vai trò Chủ tịch N.H.O JSC từ đầu năm 2019, sau khi tham gia thành lập Central Capital.

Nữ doanh nhân sinh năm 1982 cũng là người được đánh giá cao bởi mối quan hệ rộng khắp với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Anh trai bà - ông Trần Đức Vinh vào giữa năm ngoái từng được Vietinbank Capital đề cử làm thành viên Ban đại diện Quỹ VVDIF. Ngoài ra, ông còn là Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Sài Gòn May mặc Xuất khẩu - nơi mẹ ông - bà Vũ Thị Kim Loan là Giám đốc. Công ty TNHH Sài Gòn May mặc Xuất khẩu chính là nhà đầu tư chiến lược theo phương án tăng vốn vào năm ngoái của TKC.

Trong khi bà Dịu Hòa là cái tên nổi bật hơn cả, thì 2 cổ đông sáng lập còn lại trong Central Capital có phần kín tiếng hơn nhiều trên thương trường.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, ông Lê Thanh Tuấn sinh năm 1989, chính là con trai Giám đốc chi nhánh Quang Trung của một ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam. Vị banker sắp đến tuổi nghỉ hưu có sở thích đặc biệt với lĩnh vực bóng đá. Điều trùng hợp là sau khi thành lập, Central Capital cùng nhiều pháp nhân có liên hệ rất tích cực tài trợ cho các hoạt động của môn thể thao vua.

Đơn cử, Central Capital - Địa ốc Tân Kỷ là nhà tài trợ cho CLB Lâm Đồng tại giải hạng Nhì quốc gia năm 2022 - giải đấu có nhà tài trợ chính là CTCP Chứng khoán Alpha - pháp nhân có liên hệ nhất định tới nhóm Central Capital. Đầu năm nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho Central Capital tài trợ kinh phí, xây dựng chiến lược, đề án phát triển bóng đá tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2026.

CTCP Chứng khoán Alpha - pháp nhân có liên hệ nhất định tới nhóm Central Capital.

CTCP Chứng khoán Alpha - pháp nhân có liên hệ nhất định tới nhóm Central Capital.

Trước đó, đầu năm 2021, Công ty TNHH A Type Machine trở thành nhà đầu tư mới, cam kết tài trợ trong 3 năm của CLB Bóng đá Cần Thơ (Cần Thơ FC). Tuy nhiên, doanh nghiệp này vào cuối năm 2021 đã xin không tiếp tục tham gia tài trợ cho Cần Thơ FC.

Trở lại với ông Lê Thanh Tuấn, vị doanh nhân này còn tham gia sáng lập và nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp khác, như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công nghệ Tâm An, CTCP Đầu tư Đầu tư Bất động sản Tâm An, CTCP Đầu tư và Tư vấn Bất động sản Tâm An, CTCP Đầu tư và Xây dựng Covicons Việt Nam, CTCP Đầu tư Vân Hồ, Công ty TNHH Phát triển Thế giới mới, Công ty TNHH Cảnh Quan Nhật Bản...

Trong số này, Covicons Việt Nam từng có Giám đốc là ông Âu Quốc Hùng. Doanh nhân trẻ sinh năm 1995 là 1 trong 32 nhà đầu tư cá nhân đã mua 34,8 triệu cổ phần KPF bị "ế" trong đợt phát hành đầu năm ngoái.

Tại Công ty TNHH Đầu tư Central Capital, tháng 9/2021, ông Tuấn bất ngờ thoái hết vốn tại doanh nghiệp lõi trong hệ sinh thái Central Capital, cơ cấu cổ đông cập nhật là ông Vũ Đức Toàn (57,27%) và bà Trần Thị Dịu Hòa (42,73%). Tuy nhiên, động tác này nhiều khả năng chỉ mang tính hình thức, bởi ông Tuấn hiện vẫn là cổ đông lớn, sở hữu lượng cổ phần đáng kể tại các thành viên khác trong hệ sinh thái Central Capital - như CTCP Central Capital Agriculture hay CTCP Central Capital Group.

Cùng với đó, ông Vũ Đức Toàn - người "nhận" lại số cổ phần của ông Lê Thanh Tuấn, cần nhấn mạnh, có liên hệ nhất định tới ông Tuấn, hay chính xác hơn, là thân phụ ông Tuấn.

Chi tiết hơn, ông Toàn đã có 12 năm công tác, với chức vụ cao nhất là Trưởng phòng tại chi nhánh nhà băng nơi thân phụ ông Tuấn làm Giám đốc. Central Capital hiện có một văn phòng đại diện tại tầng 7, trụ sở chi nhánh ngân hàng này.

Dự án The Pearl Hội An quy mô 8,78ha sau khi được Central Capital mua lại, cũng đã được thế chấp tại chi nhánh ngân hàng đang được đề cập từ tháng 9/2021.

3 năm thua lỗ của Central Capital

Theo dữ liệu của Người Đưa Tin, hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư Central Capital không mấy ấn tượng, với 3 năm thua lỗ liên tục, lỗ năm sau cao hơn năm trước, từ lỗ 17,4 tỷ đồng năm 2019, lỗ 27,9 tỷ đồng năm 2020 và lỗ 30,4 tỷ đồng năm 2021, khiến vốn góp chủ sở hữu tới cuối năm 2021 chỉ là 224 tỷ đồng, hao hụt đáng kể so với mức vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chỉ mới ghi nhận doanh thu từ năm 2020, với 9 tỷ đồng, và tăng lên 31,2 tỷ đồng vào năm ngoái.

Trong giai đoạn 2019-2021, tổng tài sản của Central Capital tăng nhanh, từ 155 tỷ đồng, gấp 6 lần lên 942,5 tỷ đồng, trong đó phần lớn (95%) là tài sản ngắn hạn.

Tổng tài sản tăng mạnh trong năm 2021 chủ yếu nhờ lô trái phiếu 600 tỷ đồng mà Central Capital phát hành vào cuối tháng 5/2021. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/ năm, mục đích là để thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Central Capital và CTCP Sản xuất - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Từ Liêm ký ngày 4/7/2019. Tài sản đảm bảo là 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Central Capital, và quyền sử dụng 7 thửa đất tại Khu phức hợp nhà ở Phước Lợi, Nha Trang, Khánh Hòa của CTCP Địa ốc Happy.

Cổ phiếu KPF tăng giá đột biến trong bối cảnh không có tin tức chính thống hỗ trợ. (Ảnh: FireAnt)

Cổ phiếu KPF tăng giá đột biến trong bối cảnh không có tin tức chính thống hỗ trợ. (Ảnh: FireAnt)

Không chỉ Central Capital, nhiều pháp nhân khác trong hệ sinh thái cũng rất tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Cụ thể, từ 17/12/2021 - 15/3/2022, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu đã phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 11,5%/ năm; Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm từ 14/4/2021-15/3/2022 có 3 đợt phát hành trái phiếu, thu về tổng cộng 1.140 tỷ đồng, với mục đích đầu tư vào dự án Khu du lịch sinh thái Prime Resort & Hotels Cam Ranh.

Đầu năm nay, CTCP Nông nghiệp sạch Phú Sơn đã phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11,5%/năm.

Ngoài ra, từ ngày 31/12/2021-19/1/2022, Công ty TNHH New World Capital (NWC) phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu 3 năm. Mục đích và các thông tin về lô trái phiếu không được tiết lộ, biết rằng vào giữa tháng 2/2022, NWC đã thế chấp tại Vietinbank Chương Dương phần vốn góp 130 tỷ đồng tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển New Day - chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng. New World Capital trước đây là Công ty TNHH Phát triển Thế giới mới - pháp nhân do ông Lê Thanh Tuấn thành lập.

Tổng cộng, Central Capital cùng các pháp nhân có liên hệ đã phát hành tổng cộng 2.590 tỷ đồng trái phiếu trong 2 năm qua.

Dù hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu, song dòng tiền khủng từ kênh huy động vốn này mang lại chưa thực sự giúp hệ sinh thái Central Capital khởi sắc. Ngoại trừ pháp nhân lõi Central Capital liên tục thua lỗ lớn, thì trong báo cáo mới đây, New World Capital cho biết lãi sau thuế nửa đầu năm 2022 chỉ vỏn vẹn 97 triệu đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ là 0,02%. 

Hoa Liên

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục