Bí ẩn 26.000 tấn thịt trâu “biến” khỏi thị trường

Khối lượng thực phẩm này có khả năng đã được làm giả thành thịt bò, để đưa vào thị trường tiêu thụ cũng như vào các bếp ăn tập thể (?)

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG đặt ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (9/4).

Nghi vấn khối lượng lớn thịt trâu “biến” thành thịt bò

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay, năm 2014, lượng thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác vào Việt Nam qua tờ khai hải quan là trên 26.000 tấn. Tuy nhiên, có một thực tế là trên thị trường, các lực lượng chức năng và người tiêu dùng dường như không thấy bán thịt trâu nhập khẩu. Điều này đã đặt ra một nghi vấn rằng, có hay không khối lượng thịt trâu này đã được làm giả thành thịt bò, để đưa vào thị trường tiêu thụ cũng như vào các bếp ăn tập thể.

Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội), người trực tiếp tham gia xử lý vụ việc nêu trên khẳng định, vụ việc đã được điều tra.

Theo ông Nghĩa, qua điều tra vụ việc trên cho thấy thủ đoạn mới tinh vi của các đối tượng vi phạm. “Toàn bộ số thịt trâu trên được nhập khẩu hợp pháp, có giấy phép và được thông quan. Song vấn đề nằm ở khâu tiêu thụ. Qua khảo sát người tiêu dùng, chúng tôi không nhận được phản ánh phát hiện về việc mua phải thịt trâu giả thịt bò”- ông Hoàng Đại Nghĩa cho biết.

Không chỉ thịt trâu, mà thống kê của Ban chỉ đạo 389/QG cho thấy, trong năm 2014 các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả, nhiều hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, so với thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên thị trường thì kết quả này chưa tương xứng.

Hàng giả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng như: mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, mũ bảo hiểm, rượu- bia- nước giải khát… gây nhức nhối cho xã hội, khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, làm thất thu thuế của Nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập, tình trạng này làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết, lợi nhuận vẫn là động chơ chính của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ở Việt Nam và thế giới. Đã từ lâu các tập đoàn đa quốc gia, các hãng sản xuất thương hiệu nổi tiếng đều thành lập bộ phận nghiên cứu về vấn đề hàng giả, cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan Nhà nước, người tiêu dùng trong việc nhận diện hàng hoá không rõ nguồn gốc được làm nhái theo thương hiệu của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Cẩn, ở Việt Nam, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống lại việc kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này do các lực lượng bắt giữ tăng qua từng năm (năm 2013 là 18.172 vụ; năm 2014 là 21.579 vụ tăng 3.407 vụ và tương đương 18,75%).

Chế tài xử lý hàng giả, hàng nhái chưa thực sự nghiêm khắc

Cũng liên quan đến câu chuyện hàng giả, hàng nhái đang được bày bán tràn lan, câu hỏi được đặt ra: nguyên nhân vì sao những mặt hàng này vẫn được tồn tại trên thị trường, bất chấp những quy định của cơ quan Nhà nước?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, việc để hàng giả, hàng nhái tồn tại trên thị trường có nhiều nguyên nhân. Vấn đề siêu lợi nhuận là mấu chốt. Cùng với đó, tính chất và thủ đoạn của việc sản xuất, buôn bán ngày càng tinh vi. Đặc biệt, hiện một bộ phận người tiêu dùng vẫn chấp nhận dùng hàng giả, hàng nhái vì giá thấp.

Ông Cẩn cũng cho biết thêm, hiện nay, chế tài xử phạt chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên so với lợi nhuận đạt được thì mức xử phạt này không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Cùng với đó, việc nhận diện, giám định hàng giả gặp nhiều khó khăn do chi phí cao, hạn chế về phương tiện, thiết bị, máy móc. Đặc biệt, lực lượng chức năng chưa được đào tạo bài bản để nhận biết hàng giả hàng nhái.

“Trong thời gian tới đây, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì sự ủng hộ, hỗ trợ của toàn xã hội, đặc biệt là cơ quan truyền thông, quần chúng nhân dân là vô cùng quý báu, góp phần đẩy lùi, hạn chế tình trạng này”, ông Cẩn chia sẻ.

Theo Vnmedia

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục