Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các đại biểu về vai trò quản lý Nhà nước xung quanh những bất cập từ các dự án căn hộ du lịch (condotel).
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre): Có sự đánh giá về tính phù hợp của condotel
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Loại hình căn hộ du lịch (condotel) đã được dư luận nhắc đến rất nhiều với cả ý kiến đồng tình, ủng hộ cũng như không ít ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối.
Tôi cho rằng xã hội phát triển sẽ kéo theo những cái mới và Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì tham mưu vấn đề này phải có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương để đánh giá loại hình này có phù hợp hay không.
Ngoài ra phải xem xét loại hình này có đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế xã hội; có gây hệ lụy về sở hữu, chiếm hữu và quyền định đoạt theo các Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, rồi sau này liên quan cả vấn đề kinh doanh, cuộc sống gia đình các nhà đầu tư…
Dù chưa có đầy đủ thông tin về vấn đề này nhưng quan điểm của tôi là những cái mới được nghiên cứu và kiểm nghiệm thì tôi ủng hộ.
Tuy nhiên, tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải giải trình được cho người dân và cơ quan có thẩm quyền, trước đó là Thủ tướng, sau đó Chính phủ để xem xét vấn đề này để xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Điều này sẽ tránh được tình trạng bên ngoài kia nói một đằng, bên trong lại án binh bất động hoặc là để tự vận động lúc đó có những hệ lụy không thể gỡ được.
Sau vụ việc Cocobay xảy ra tại Đà Nẵng, tôi cho rằng trước hết những người trực tiếp trong cuộc có lời giải thích. Hơn nữa, không thể không có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố. Vì dưới Uỷ ban còn có các sở, ban, ngành cần yêu cầu tất cả báo cáo đánh giá, thậm chí có thể mời chuyên gia, tọa đàm các nhà khoa học, nhà quản lý và ngay cả những người đã về hưu biết về sự kiện này để cho ý kiến.
Liên quan đến việc quản lý các dự án condotel, quan điểm của tôi là Bộ Xây dựng có thể trình Thủ tướng cho thí điểm sau đó tổ chức tổng kết. Tuy nhiên, trước khi thí điểm phải tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học và tọa đàm, sau đó cho thí điểm và kiểm tra, thanh tra, nếu có sai phạm phải xử lý rút kinh nghiệm.
Dĩ nhiên, đã thí điểm phải rủi ro và không nên áp đặt hoàn hảo rồi mới thí điểm là sai. Vì chính thí điểm sẽ bộc lộ hết các vấn đề khúc mắc để xử lý; trong đó có vấn đề thể chế.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định): Không để phát triển tự phát
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Hiện nay, mô hình condotel, officetel như là các biệt thự nghỉ dưỡng khá phổ biến ở các địa phương trong cả nước. Về mặt tích cực, đây là mô hình phát sinh từ cuộc sống và nếu xây dựng tốt thì sẽ đáp ứng được yêu cầu cuộc sống và sẽ góp phần rất tốt trong phát triển kinh tế.
Dù vậy, hiện nay đang có vấn đề là nhà đầu tư xây dựng các mô hình mới này như là một cách thực hiện dự án.
Nhưng quy chiếu trở lại thì khung pháp lý để đảm bảo cho mô hình condotel này chưa có và cũng chưa hoàn thiện.
Trong kỳ chất vấn trước, bản thân tôi có đề xuất Nhà nước ở góc độ quản lý phải sớm ban hành khung pháp lý để quản lý mô hình này và không để phát triển tự phát.
Tuy nhiên, đến kỳ họp này tôi cũng chưa thấy các quy định cụ thể rõ ràng về condotel, trong khi ở các địa phương mô hình này vẫn đang vận hành.
Vì vậy, cả nhà đầu tư và người dân đều băn khoăn và đặt ra câu hỏi nếu không kịp thời có khung pháp lý đầy đủ để đảm bảo quản lý nhà nước lĩnh vực này thì phải chăng đây sẽ là một sự bỏ ngỏ.
Không những thế, chính sự bỏ ngỏ này sẽ có nhiều hệ lụy về mặt pháp lý cũng như những thiệt hại cho nhà đầu tư, người dân khi sở hữu mô hình này.
Do đó, cần phải sớm ban hành các quy chuẩn quy định cụ thể rõ ràng, phù hợp cho loại hình condotel càng sớm càng tốt./.
Theo Uyên Hương-Thành Trung/BNEWS/TTXVN