Thời gian qua tại Việt Nam đã làm quá nhiều quy hoạch, tuy nhiên có tới 70-80% các dự án quy hoạch vùng, tỉnh, huyện, ngành nghề không được sử dụng đến.
Cụ thể theo báo cáo của sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, tính đến ngày 10/9/2012, TP.HCM hiện có gần 30 khu quy hoạch “treo”. Điển hình là khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa, (phường 28, quận Bình Thạnh) với diện tích 450ha, được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992 nhưng án binh bất động từ đó đến nay. Hay dự án tại khu C30 (nay thuộc tổ 1, 2, KP.1, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM) được công bố vào năm 1980. Theo quy hoạch, khu này làm cơ quan, nhà ở của ngành bưu điện, với tổng diện tích hơn 40 ha. Đến năm 2009, UBND TP ra quyết định quy hoạch để làm trung tâm thương mại, sản xuất kỹ thuật cao, kinh doanh, dịch vụ chuyên ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Từ đó đến nay không có chuyển biến gì mới.
Phối cảnh quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Trong ngành xây dựng, việc triển khai xây dựng các dự án đầu tư phát triển nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... còn kéo dài lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân. Tại các khu đô thị mới Yên Hòa, Mễ Trì, Văn Quán, Linh Ðàm (Hà Nội)... đã đi vào hoạt động từ rất lâu, nhưng tỷ lệ nhà biệt thự liền kề, chưa được đưa vào sử dụng chiếm rất cao. Nhiều ngôi biệt thự đã xây thô, bỏ hoang nhiều năm nay không có người tới ở. Ðó là chưa kể đến những lãng phí từ "quy hoạch treo" đất đai, việc đầu tư nhiều công trình hạ tầng nhưng không sử dụng. Trong khi đó ở nhiều nơi người dân thiếu đất sản xuất, trẻ em thiếu trường lớp để học, thiếu nơi để vui chơi giải trí...
Những dãy biệt thự bỏ không như thế này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu tại các khu đô thị mới đang xây dựng ở Hà Nội
Hay như quy hoạch phát triển ngành than tại Quảng Ninh được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt năm 2001, với 3 mục tiêu: Giảm sản xuất than để Quảng Ninh phát triển du lịch; giảm than xuất khẩu tới 2010 còn 3 triệu tấn, dùng than sản xuất năng lượng nhằm giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng thực tế thì lại xuất khẩu 15 triệu tấn gấp 5 lần so với quy hoạch. Mặc dù quy hoạch rất hay nhưng vấn đề ở đây là chẳng ai làm theo quy hoạch xong để đó chẳng ai quan tâm tới.
Điều này một phần cũng do vai trò yếu kém của các cơ quan quản lí đô thị, đô thị phát triển không kiểm soát, kém hiệu quả về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tình trạng cấp đất tràn lan cho các dự án BĐS, hạ tầng không đồng bộ, quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, nhà trẻ, công viên biến thành nhà chia lô, kinh doanh… Thực tiễn này dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ gây lãng phí công sức và tiền của.
GS Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ TN&MT đưa ra quan điểm cho rằng, quy hoạch hiện chưa đạt được vai trò dẫn đường cho phát triển, phát triển có xu hướng tự phát nhiều hơn.
Việc quy hoạch thiếu tầm nhìn, hoặc tầm nhìn ngắn, các nhà quy hoạch cứ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ngay thời điểm hiện tại mà làm, không tính đến tương lai khiến cho việc đánh giá hiện trạng trở nên lỗi thời, tính dự báo không phù hợp. Các dự báo thiếu tính chính xác, chưa lường hết được tốc độ phát triển dân số, tốc độ phát triển kinh tế.
Cũng chính vì vậy quy hoạch thường phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại để các quyết định không vi phạm quy hoạch.
Như tại dự án cầu Cần Thơ được bắc ngang qua sông Hậu, với tổng chiều dài 15,85km. Phía tỉnh Vĩnh Long cũng như phía TP Cần Thơ từ Quốc lộ 1A có đường rẽ xuống cầu và đoạn quốc lộ mới này sẽ chạy giữa “đồng không mông quạnh”. Nhưng TP Cần Thơ đã quy hoạch “Khu đô thị Nam sông Cần Thơ” ôm lấy chân cầu Cần Thơ phía bên này, phía bên kia tỉnh Vĩnh Long cũng quy hoạch KCN và các khu dân cư “đón đầu … cầu”. Để đường lên xuống cầu Cần Thơ được thông suốt, tránh trở thành đường… phố, ban quản lý dự án cầu Cần Thơ lại đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch làm đường và một số cầu vượt. Với tổng mức kinh phí lên tới 500 – 600 tỷ đồng.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá thì Việt Nam rất kém về quy hoạch sử dụng đất, chưa dẫn đường cho phát triển. Phát triển tự phát tới đâu mới bắt đầu nắn chỉnh quy hoạch theo tới đó.
Quy hoạch tại Việt Nam vẫn đi theo phương pháp lỗi thời. Các bản quy hoạch đô thị là những bản vẽ tương đối cụ thể với ít nghiên cứu về hiện trạng và hạn chế về khả năng dự báo tương lai. Điều này dẫn đến việc các bản quy hoạch thường xa rời thực tế, mang nặng tính hình thức và do đó, luôn bị thay đổi và không giúp giải quyết các vấn nạn đô thị hiện tại.
T.T (Tổng hợp)