BĐS Nghỉ dưỡng: "Cảnh giác" trước lời chào cam kết lợi nhuận!

(Kinhdoanhnet) - Thị trường BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam đang phát triển hết sức sôi động với sự xuất hiện của hàng loạt các dự án "khủng" ra mặt thị trường. Đi cùng với đó, cuộc đua cam kết lợi nhuận giữa các dự án để thu hút khách hàng cũng đang ngày càng trở nên khốc liệt!

Chạy đua cam kết lợi nhuận!

Nhìn vào những dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được chào bán ra thị trường trong thời gian vừa qua, có thể thấy chiêu thức “cam kết lợi nhuận” đã được giới chủ đầu tư áp dụng môt cách đồng loạt và triệt để. 

Năm 2015, Tập đoàn Hoàn Cầu đã gây bất ngờ tại thị trường Hà Nội khi liên tiếp tiến hành mở bán căn hộ nghỉ dưỡng Diamon Bay Resort (TP. Nha Trang) với mức cam kết lợi nhuận khủng, lên đến 14%/năm trong 2 năm đầu. Đây là mức cam kết lợi nhuận không dự án căn hộ nào tại Hà Nội đạt được. Ngoài ra, khách hàng sẽ được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được hưởng 70% và 30% dành cho đơn vị quản lý, nếu cam kết để đơn vị quản lý cho thuê lại.

Không chỉ Hoàn Cầu, Hồng Hạc Đại Lải (thuộc CTCP Đầu tư Hùng Vương) cũng mở bán biệt thự Dự án Flamingo Đại Lải Resort với cam kết lợi nhuận đầu tư lên đến 12%/năm và kéo dài trong 10 năm. 

Tương tự, tập đoàn CEO Group cũng gây ấn tượng với chính sách cam kết lợi nhuận 9% giá trong vòng 5 năm đối với dự án Sonasea Villas & Resort Phú Quốc. Theo đó, với dự án này, chủ đầu tư cam kết chia sẻ tới 85% lợi nhuận, cùng mức sinh lời tối thiểu 9% giá trong vòng 5 năm.cho khách mua biệt thự và đăng ký tham gia chương trình cho thuê lại. 

Hay BIM Group cũng mở bán dự án nghỉ dưỡng Syrena Hạ Long với cam kết lợi tức 8%/năm kéo dài trong 3 năm…

 

BĐS Nghỉ dưỡng: "Cảnh giác" trước lời chào cam kết lợi nhuận! - Ảnh 1
Biệt thự mẫu của Sonasea Villas & Resort


 

Tại thị trường BĐS Nha Trang, nhiều chủ đầu tư cũng cho ra mắt sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng với nhiều chính sách bán hàng được đánh giá “mạnh tay”  đặc biệt linh hoạt giúp khách hàng chủ động trong việc sử dụng hoặc lựa chọn phương án đầu tư sinh lời phù hợp mong muốn của mình. Ví dụ như khách hàng có thể lựa chọn các hình thức: ở trong chính biệt thự của mình với thời gian lên đến 3 tháng/ năm hoặc tham gia chương trình cho thuê lại với lợi nhuận tối thiểu 10%/năm và chia sẻ 85% lợi nhuận trong những năm tiếp theo.

Những chính sách cam kết lợi nhuận này, trên một góc độ nào đó đã phát huy được những hiệu quả tích cực khi thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với dự án. Tuy nhiên, để họ xuống tiền mua căn hộ thì có lẽ không phải việc dễ dàng. Theo khảo sát thực tế, rất nhiều các nhà đầu tư đều có chung sự hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết chia sẻ lợi nhuận cao trong thời gian dài của chủ đầu tư. Nhất là khi các yếu tố đảm bảo lợi nhuận mà các chủ đầu tư đưa ra chưa đủ sức thuyết phục khách hàng.

 Rủi ro tiềm ẩn ở những dự án "hái ra tiền?

Bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư, khách hàng không phải làm gì trong khi vẫn thu về lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc gửi ngân hàng. Bài toán kinh doanh do các chủ đầu tư dự án BĐS đưa ra có lẽ không thể hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, chiêu thức "cam kết lợi nhuận" này cũng có hai mặt của nó.

Theo Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại Nha Trang cho biết, Tại các buổi lễ mở bán sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư thường vẽ ra viễn cảnh "tươi đẹp", rằng bỏ ra 10 tỉ đồng mua căn biệt thự được cam kết suất sinh lợi 8-9%/năm, chỉ sau 10 năm là thu hồi vốn và những năm sau này ngồi thu lãi ròng. Thực tế, đây là cách để khơi gợi lòng tham của khách hàng khi so sánh khả năng sinh lợi việc gửi tiền vào ngân hàng.

Tuy nhiên, chiêu thức kinh doanh này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà không phải nhà đầu tư nào cũng nhìn thấy được. Bởi thực tế, nhiều chủ đầu tư nâng giá trị bất động sản cao hơn giá trị thực và dùng chính số tiền chênh lệch đó để trả lại cho khách hàng theo chính sách “lấy mỡ nó rán nó”. 

Dưới con mắt người trong nghề, nhiều chuyên gia cho rằng, suất đầu tư xây dựng một căn biệt thự không bao nhiêu, nhưng giá bán được các chủ đầu tư đẩy lên cả chục tỉ đồng. Với giá đó, chủ đầu tư không bao giờ lỗ. Nói cách khác, người mua đã phải trả một cái giá rất cao, rồi sau đó nhận lại chính đồng tiền của mình dưới tên gọi là lợi nhuận đầu tư. Chính vì vậy, người mua nhà hiện nay cần hết sức thận trọng, tránh những cái "lợi trước mắt" mà "mua" rủi ro về lâu dài.

Phương Thuý

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục