Sau một năm bầu Hiển tiếp quản Vegetexco, dư luận bất ngờ khi doanh thu trong báo cáo tài chính tính đến 31/12/2016 của doanh nghiệp này đạt hơn 4.100 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015 khi cổ phần hóa Tổng công ty Rau quả, Nông sản chủ yếu hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu rau quả, nông sản, tổng hợp, đồng thời sản xuất và chế biến nông sản. Các sản phẩm của Vegetexco bao gồm hạt giống các loại rau củ quả, hoa, gia vị, đồ đông lạnh, sản phẩm chế biến sẵn… doanh thu hàng năm chỉ khoảng 200- 300 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 20- 30 tỷ đồng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2015, Vegetexco lãi ròng 19,6 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Sau nhiều năm không ghi nhận, cuối tháng 6/2015, Vegetexco chính thức có số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 19,7 tỷ đồng, là toàn bộ lợi nhuận có được trong nửa đầu năm 2015.
Tại thời điểm cuối năm 2013 tổng giá trị doanh nghiệp của Vegetexco là 815,6 tỷ đồng. Sau khi trừ số nợ thực tế phải trả, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 713,18 tỷ đồng. Đó là nguồn gốc con số vốn điều lệ 713 tỷ đồng của Vegetexco khi tiến hành cổ phần hóa.
Điều đặc biệt trong báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Quốc tế IFC cho rằng vốn Nhà nước giữa Nhà nước và Tổng công ty chưa được xác định. Như vậy, sau khi chuyển đổi thành CTCP và tăng vốn điều lệ lên 713 tỷ thì nhiều cổ đông nghi ngờ có sự thao túng doanh nghiệp cũng như có thể làm thất thoát vốn Nhà nước ở đây. Việc này cần sớm được làm rõ vốn Nhà nước ở đơn vị là bao nhiêu và các cổ đông lớn, các tổ chức nằm quyền chi phối ở DN này.
Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa các công ty liên quan đến bầu Hiển nắm 60% vốn điều lệ của Vegetexco thì doanh thu của doanh nghiệp này trong báo cáo tài chính tính hết 31/12/2016 hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, điều khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi là khoản phải thu 3.496 tỷ đồng về cho vay ngắn hạn đối với CTCP Tập đoàn T&T và 460 tỷ đồng đối với CTCP XNK Thủ công Mỹ Nghệ. Hai khoản phải thu này là các khoản mà Vegetexco ký kết bằng các hợp đồng hợp tác với 2 đơn vị trên, lãi suất 8-9% năm.
Trao đổi với một chuyên gia trong ngành tài chính- chứng khoán về điều ‘thần kỳ’ này, ông này cho biết, thật đơn giản nếu chúng ta nhìn thấy sợi dây liên kết trong tay bầu Hiển: Doanh nghiệp- Ngân hàng- Công ty tài chính… Ở đây, số tiền mà CTCP Tập đoàn T&T phải trả cho Vegetexco có thể hiểu một cách đơn giản là SHB “bơm” tiền cho Vegetexco và Vegetexco cho T&T vay.
Ngoài ra ông này cho biết thêm, câu chuyện nói trên từng được nhắc đến khi tập đoàn T&T liên tục ra tay thâu tóm các công ty nhà nước được cổ phần hóa. Khi đó, câu hỏi đặt ra là tiền ở đâu để tập đoàn này thực hiện nhiều thương vụ như vậy? Một kịch bản được nhiều người vẽ ra mang tên ‘tay không bắt giặc’, dạng ‘thô sơ’ nhất là dùng tiền vay để mua một công ty. Sau khi tiếp quản công ty, sẽ thực hiện các hợp đồng mua bán (chủ yếu với các công ty sân sau), tạo doanh thu lớn đột biến và lại sử dụng các hợp đồng này để thế chấp tại ngân hàng, lấy tiền về cho công ty mẹ trả các khoản vay để mua công ty trước đó.
Tuy nhiên, ngược lại với quan điểm trên, ông Phạm Văn Tuyến chuyên gia chứng khoán Công ty chứng khoán Kis Việt Nam cho biết, đó là những nhận định chủ quan. Đây là một hoạt động bình thường có bản chất là công ty mẹ chiếm dụng vốn của công ty con, hoàn toàn hợp lý. ‘Theo tôi, khi Vegetexco mua hàng của đối tác nước ngoài, Vegetexco đã mở LC tại ngân hàng SHB. Khi đó, SHB chịu trách nhiệm làm việc với ngân hàng thụ hưởng của phía đối tác để thực hiện bộ chứng từ và Vegetexco nhận hàng về bán.
Trong quá trình bán, Vegetexco thu tiền về nhưng do chưa phải trả tiền nhà cung cấp, Vegetexco sẽ có nguồn tiền nhàn rỗi để cho T&T vay’, ông Tuyến nhận định. Trả lời về vấn đề, tại sao doanh thu lên đến 4.000 tỷ đồng mà các khoản phải thu lớn không phải là một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh, mà lại là công ty mẹ? ông Tuyến cho rằng, với loại hình kinh doanh rau củ quả, hoa, gia vị, đồ đông lạnh, sản phẩm chế biến sẵn… như Vegetexco thì doanh nghiệp phải thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa trong thời gian ngắn để kịp xoay tiền trong thời hạn trả LC là điều bình thường, nên việc mở LC ngắn hạn tại Ngân hàng SHB không ‘vắt’ qua kỳ báo cáo tài chính, một số ít chưa thu được tiền còn hiện ở phần phải thu khách hàng. Mặc dù vậy, những con số đột biến trên BCTC của Vegetexco sau khi được bầu Hiển tiếp quản vẫn không thể không khiến cho những người quan tâm đặt dấu hỏi.
Trước đó, năm 2015 các công ty liên quan đến bầu Hiển nắm 60% vốn điều lệ của Vegetexco dư luận từng đặt ra câu hỏi rằng: ‘Bầu Hiển để mắt tới Vegetexco: Vì rau hay vì đất?’. Với câu hỏi này chỉ người trong cuộc mới trả lời được là vì gì, song qua việc nắm giữ quyền chi phối ở DNNN này khi CPH thì Bầu Hiển có thể một tay” che khuất bầu trời”!
Bên cạnh việc Vegetexco kinh doanh rau củ quả, công ty này quản lý và sử dụng các địa điểm đất theo hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm đối với 9 mảnh đất thuộc 4 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài mảnh đất 11.000 m2 tại Tp.HCM vẫn được tính thuộc sở hữu Nhà nước, còn lại tổng diện tích 9 mảnh đất lên tới 160.000 m2.
Theo Tường Vân/Nhaquanly.vn