Tố ra toà rồi bất ngờ rút đơn
Chiều ngày 28/3/2019, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) bất ngờ công bố thông tin liên quan đến các quyết định của toà. Theo đó, Vinaconex xác nhận đã nhận đồng thời 2 văn bản của Toà án nhân dân quận Đống Đa về việc "Yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông" vào ngày 27/3/2019.
Đây là một diễn biến được nhiều nhà đầu tư lo ngại dự báo từ trước đó về 1 cuộc 'nội chiến' tại Vinaconex. Các nhóm cổ đông mới vào Vinaconex thời gian ngắn, các lãnh đạo ngồi chưa ấm chỗ sau cuộc chuyển giao chóng vánh đã tố nhau nhau ra tòa. Xung đột ở đây được biết đến là giữa 2 nhóm cổ đông, đại diện bởi phía thứ nhất là Cường Vũ và Star Invest và phía thứ 2 là nhóm An Quý Hưng.
Cụ thể, theo thông tin được Vinaconex công bố, Toà án nhân dân quận Đống Đa đã thụ lý vụ án theo đơn yêu cầu của 4 tổ chức/cá nhân: Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ; Công ty TNHH Đầu tư Star Invest; ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà. Ông Thân Thế Hà và Nguyễn Quang Trung là 2 thành viên HĐQT mới được bầu của Vinaconex.
Văn bản thứ 2 là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Đống Đa, trong đó buộc Vinaconex tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 01/2019 ngày 11/1/2019 về việc bầu cử HĐQT và BKS mới.
Thông tin này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu VCG giảm sàn, bốc hơi gần 10% trong phiên 28/3 xuống còn 25.700 đồng/cp với gần 5 triệu cổ phần được chuyển nhượng. Vinaconex chứng kiến vốn hóa bốc hơi hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.
Sự việc xảy ra tại Vinaconex sau khi 2 cổ đông quản lý vốn lớn của Nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Viettel và cổ đông ngoại Pyn Fund thoái vốn. SCIC bán gần 58% vốn Nhà nước, trong khi Viettel bán hơn 21%, còn Pyn Elite Fund bán 7,57% vốn VCG.
Cơ cấu sở hữu tại Vinaconex thay đổi gần như toàn bộ, với sự xuất hiện của 3 cổ đông mới nắm giữ gần 90% vốn cổ phần của doanh nghiệp này nhưng lại chia thành 2 phe. Bất động sản Cường Vũ giữ 21,28% vốn và Đầu tư Star Invest sở hữu 7,57% vốn VCG. Trong khi nhóm An Quý Hưng đại diện bởi ông Nguyễn Xuân Đông và sau đó xuất hiện thêm ông Đào Ngọc Thanh sở hữu 57,71% vốn cổ phần.
Tại ĐHĐCĐ bất thường của Vinaconex ngày 11/1, ông Đào Ngọc Thanh, người đại diện cho phần vốn của An Quý Hưng, được bầu làm làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ 2017- 2022. Trong khi đó, một đại diện khác của An Quý Hưng là ông Nguyễn Xuân Đông giữ chức TGĐ.
Nghị quyết ĐHĐCĐ 11/1.
Ngay sau khi nhận được văn bản, Vinaconex đã có 2 văn bản khiếu nại với cùng nội dung được gửi vào ngày 28/3 và 29/3 tới Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân quận Đống Đa và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội.
Vinaconex khiếu nại việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ngay (ngày 27/3) yêu cầu tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, gồm việc tạm dừng kết quả bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát, làm đình trệ ngay lập tức toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Vinaconex cũng khiếu nại cả 2 cá nhân và 2 tổ chức không đủ cơ sở pháp lý về tư cách chủ thể để đưa ra yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 11/1.
Vinaconex đề nghị, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của toà án Nhân dân quận Đống Đa. Yêu cầu các bên có liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ việc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong khi đó, ngày 26/3, ông Hà và ông Trung có 2 đơn gửi tòa án nhân dân quận Đống Đa gồm đơn xin rút yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ và đơn xin rút yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấm tạm thời. Đơn của 2 thành viên HĐQT được nộp chỉ 1 ngày sau khi nộp đơn yêu cầu tới TAND quận Đống Đa.
Điềm báo Vinaconex
Với diễn biến này, điểm nóng tố nhau ra toà coi như tạm qua nhưng có vẻ như đây là 1 điềm báo cho những bất đồng tại DN lớn này.
Tại Vinaconex, sau khi các cổ đông SCIC và Viettel thoái vốn, trong các nhóm mới, nhóm An Quý Hưng kiểm soát phần lớn quyền lực tại Vinaconex, nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest chỉ có 2 người là thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà.
Ông Nguyễn Quang Trung là phó TGĐ Địa ốc Phú Long, còn ông Thân Thế Hà là phó TGĐ Vinaconex và là Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC), chủ đầu tư dự án Splendora của Vinaconex.
Ngoài ra, nhóm cổ đông Cường Vũ cũng có thêm 2 thành viên trong Ban kiểm soát mới của Vinaconex gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.
Ông Nguyễn Xuân Đông, 1 đại diện của nhóm An Quý Hưng.
Phân chia quyền lực và những diễn biến nhanh chóng trong việc chuyển giao lãnh đạo ở Vinaconex hồi trước Tết được giới phân tích cho là rất đáng lưu tâm và những dự đoán về xung đột giữa các nhóm lợi ích theo các kịch bản khác nhau đã được dự đoán. Vì thế, biến động mới nhất trên đây dường như là 1 điểm báo cho chặng đường tiếp theo của Vinaconex.
Lịch sử trên TTCK, lịch sử cho thấy, xung đột giữa các nhóm cổ đông lớn thường khiến cho hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bất ổn, lợi nhuận sụt giảm. Trong một số trường hợp, xung đột thậm chí còn nhấn chìm doanh nghiệp.
Với Vinaconex, dù đã từng một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng nhưng trong vài năm gần đây hoạt động của doanh nghiệp này cũng đã có xu hướng đi xuống.
Điểm sáng nhất của doanh nghiệp này có lẽ vẫn là ở chỗ Vinaconex đang quản lý và sở hữu hàng triệu mét vuông đất tại Hà Nội. Việc 2 cổ đông Nhà nước thoái vốn gần 80% đã khiến cho Vinaconex trở nên hấp dẫn.
Vinaconex hiện sở hữu khu đất hàng triệu m2 tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) hàng trăm hecta. Bên cạnh đó còn nhiều dự án khác và cả trường Lý Thái Tổ ngay tại khu vực trung tâm Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội,...
Ông Đào Ngọc Thanh.
Một dự án đình đám nhất của Vinaconex chính là Splendora. Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) tại phía Tây của Hà Nội với diện tích hơn 264 hecta, trong đó VCG nắm 50% và Địa ốc Phú Long, một thành viên của Sovico Holdings của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nắm giữ (mua từ Posco E&C của Hàn Quốc hồi đầu 2018).
Sau những tai tiếng liên quan tới Splendora chậm hoãn kéo dài 10 năm, dự án đường nước Sông Đã vỡ 15 lần, rồi những tai tiếng về xây dựng ở khu Trung Hòa-Nhân Chính, Vinaconex lại đang đứng trước những diễn biến phức tạp mới trong quan hệ giữa các nhóm cổ đông An Quý Hưng - Cường Vũ và Star Invest.
Theo H. Tú/Vietnamnet