Bất cập việc cho người nước ngoài thuê xe gắn máy ở Hà Nội

(KDPL) - Với sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, số lượng người nước ngoài đến Hà Nội công tác, học tập và du lịch ngày càng tăng lên nhanh chóng. Việc họ thường chọn hình thức thuê xe gắn máy để làm phương tiện di chuyển khi đến Việt Nam không còn xa lạ nữa.

Ở các thành phố lớn đã mọc lên rất nhiều các loại dịch vụ cho người nước ngoài thuê xe, chỉ cần vài thủ tục đơn giản, nhanh gọn là khách nước ngoài có thể thuê cho mình một chiếc xe máy, mặc dù nhiều người còn chưa rõ về các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

Có tiền là giao xe

Tuy không phải mới xuất hiện nhưng loại hình dịch vụ cho thuê xe hiện nay đang là một trong những dịch vụ đắt khách nhất, không những là khách du lịch trong nước mà nó còn thu hút rất nhiều khách quốc tế, nhất là khách du lịch “bụi”.

Bất cập việc cho người nước ngoài thuê xe gắn máy ở Hà Nội - Ảnh 1
Bất cập việc cho người nước ngoài thuê xe gắn máy ở Hà Nội

Có thể nhận thấy, ở hầu khắp các tuyến đường ở Thủ đô, nhất là tại các tuyến phố trung tâm không khó để chúng ta bắt gặp những “ông Tây”, “bà Tây” đi xe máy trên đường và có rất nhiều trường hợp người nước ngoài đi xe máy phóng nhanh, không đội mũ bảo hiểm. Dạo qua một số tuyến đường như đường Láng, Đinh Liệt, Hai Bà Trưng, Đinh Lễ, Lê Phụng Hiếu, phố Hàng Phèn, Thuốc Bắc…, hay ở một số khách sạn, nhà nghỉ khu vực phố cổ không khó để chúng ta bắt găp các biển hiệu cho thuê xe máy (“Motorbikes for rent”). Không những chỉ là ở những cửa hàng hay các khách sạn, dịch vụ này còn phát triển chóng mặt trên các trạng mạng xã hội, internet với hàng trăm số điện thoại được đăng tải để sẵn sàng cung cấp dịch vụ này. Chỉ cần một cú kick chuột, một cuộc gọi thì sẽ có người mang xe tới tận nơi.

Bước vào một cửa hàng cho thuê xe trên phố Lê Phụng Hiếu muốn ngỏ ý thuê xe cho người thân là người nước ngoài thì nữ nhân viên ở đây cho hay, nếu như khách là người Việt Nam thì chỉ cần có chứng minh thư và tiền đặt cọc là có thể thuê xe được, còn đối với khách nước ngoài thì chỉ cần có hộ chiếu và với số tiền đặt cọc 5 triệu - 10 triệu đồng/xe (tùy loại) với giá thuê xe từ 90.000 đồng - 170.000 đồng/ngày đối với xe số, còn từ 150.000 đồng - 250.000 đồng đối với xe tay ga thì sẽ thoải mái thuê xe, không cần hợp đồng ràng buộc. Khách hàng có quyền sử dụng xe đi chơi trong thành phố hoặc đi du lịch tới các địa điểm ở các tỉnh thành miền Bắc, nếu thuê xe dài hạn từ 1 tuần đến 1 tháng thì sẽ được giảm giá, đặt cọc tiền là lấy xe và đi luôn. Khi chúng tôi thắc mắc về việc người nước ngoài không có bằng lái xe máy của Việt Nam thì cho thuê kiểu gì? Thì nhận được câu trả lời rất vô tư của chị này: “không sao đâu, người nước ngoài thì làm gì có bằng lái xe máy của Việt Nam, đi du lịch “bụi” vài ngày chẳng mấy ai hỏi bằng hay giấy tờ hay bằng lái cả, cứ vô tư đi thôi. Còn nếu như người nước ngoài nếu như họ làm việc ở mình lâu dài thì họ sẽ nhờ bạn bè người quen mua hộ chứ họ sẽ không thuê đâu. Mà giờ người nước ngoài đi xe máy đầy đường mà công an có bao giờ hỏi đâu giấy tờ của họ cả. Cấm thì cấm như vậy, chứ bất đồng ngôn ngữ như vậy có ai bắt đâu. Chỉ khi nếu người nước ngoài thuê xe gây tai nạn giao thông thì công an mới vào cuộc thôi… cứ yên tâm”.

Rời khỏi cửa hàng này, chúng tôi gặp Jack (30 tuổi, một du khách Mỹ) anh cho biết, rất nhiều lần anh đến du lịch ở Hà Nội và phương tiện chủ yếu của anh để đi thăm thú các danh lam thắng cảnh đều là xe máy, khi đến du lịch ở Hà Nội anh thường đến một địa chỉ quen thuộc trên phố Đinh Lễ để thuê xe vì giá rẻ và thủ tục nhanh gọn, tiện lợi. “Lần trước tôi  thuê một chiếc xe tay ga giá cũng chỉ trên dưới 250.000 đồng/ ngày) chỉ cần đưa tiền là có xe ngay”. Khi chúng tôi hỏi Jack là có bằng lái xe máy chưa thì anh nói không, chỉ có bằng lái ô tô thôi, nhưng theo anh này, ở Việt Nam đi xe máy cũng dễ. Ở Mỹ chủ yếu là đi ô tô nên khi sang Việt Nam lúc đầu lái xe cũng hơi ngượng nhưng dần dần cũng quen. Khi nghe chúng tôi nói về quy định không cho du khách nước ngoài thuê xe máy ở Việt Nam nếu không bằng lái thì Jack rất ngạc nhiên, anh cho biết khi vào các cửa hàng thuê xe thì không thấy nhân viên ở đây nói gì về quy định này.

Nguy hiểm rình rập

Mới đây nhất, một vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người nước ngoài xảy ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, vụ tai nạn này đã làm 1 người chết, 1 người bị thương. Theo đó, vào khoảng 14 giờ 15 phút, ngày 26/3/2017, chiếc xe mô tô 3 bánh hiệu Sidecar mang biển kiểm soát 29A6-1097 do Robentbiting (sinh năm 1975, quốc tịch Mỹ) chở theo chị Vefica Elvechir (sinh năm 1983, quốc tịch Mỹ) đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 6 (hướng từ Hà Nội - Sơn La) thuộc địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã va chạm với xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29C-750.76 do Kiều Văn Hiển (sinh năm 1972, trú tại xã Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) điều khiển đi theo chiều ngược lại. Cú va chạm rất mạnh đã khiến chị Vefica Elvechir tử vong tại chỗ, còn Robentbiting bị thương nặng, chiếc xe hiệu Sidecar bị hư hỏng nặng. Hiện vụ việc vẫn đang được công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra làm rõ.

Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận sự thuận tiện của loại hình di chuyển này đối với nhiều khách du lịch. Nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết du khách quốc tế khi thuê xe gắn máy đều không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật Việt Nam, không hiểu về luật giao thông của Việt Nam. Hầu hết người nước ngoài thường đi lại bằng ôtô hoặc các phương tiện công cộng, nên việc lái xe máy với họ là khá bỡ ngỡ. Kỹ thuật lái xe chưa đủ “chắc tay”, còn luật giao thông thì họ cũng “mù mờ” hoặc là không xem trọng.

Có thể thấy rõ, người nước ngoài khi tham gia giao thông ở Hà Nội họ thường không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, sai làn đường… tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho người đi đường. Và thực tế, đã có không ít những vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển là du khách nước ngoài.

Một du khách đến từ nước Anh chia sẻ, ông biết hiện nay trên địa bàn thủ đô Hà Nội có rất nhiều người nước ngoài tự lái xe máy, thậm chí không đội mũ bảo hiểm và không có Giấy phép lái xe, nhưng thực tế có rất nhiều người nước ngoài thuê xe máy tự lái, nên ông vẫn thuê theo dù biết mình không có Giấy phép lái xe.

Theo một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3 - Công an thành phố Hà Nội cho hay: “Biết là người nước ngoài chạy xe thường không bằng lái, nhưng chúng tôi chỉ nhắc nhở. Nhiều lúc giải thích lỗi vi phạm bằng tiếng anh cho họ hiểu thì có người hiểu và xin lỗi, có người lại vờ như không hiểu mình nói gì, họ cứ bập bẹ nói “tôi không biết, tôi không hiểu”, dài hơn thì “tôi đi theo người ta mà”. Hình như các nhà xe chỉ cho họ khi lực lượng CSGT kiểm tra thì phải nói như vậy”.

Với “câu thần chú” do các chủ xe bày ra, nhiều khách nước ngoài cho biết họ không e ngại gì chuyện thuê xe để tự lái dù không biết luật giao thông. Nếu sự cố xảy ra, chủ xe cũng không bị ảnh hưởng nhiều nên loại hình kinh doanh này vẫn tiếp diễn công khai.

Trong trường hợp người nước ngoài điều khiển xe thuê gây tai nạn không nghiêm trọng, nhiều người dân cũng đành cắn răng chịu thiệt vì bất đồng ngôn ngữ, hoàn toàn không biết tìm ai để đòi bồi thường. Vấn đề này cần sớm được can thiệp, xử lý, đồng thời cần có những quy định rõ ràng trong việc người nước ngoài thuê xe và chủ cho thuê xe để có những biện pháp giải quyết phù hợp nếu không may có tai nạn xảy ra.

Đỗ Tuấn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục