Chi phí dự phòng rủi ro cứu vớt lợi nhuận tại BaoViet Bank
Trong quý 2/2022, hoạt động chính tại BaoViet Bank giảm tới 48% so với cùng kỳ 2021, chỉ mang về gần 169 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Nguyên nhân giảm mạnh là do thu nhập lãi tiền gửi giảm đến 49% và thu nhập lãi cho vay khách hàng giảm 31%.
Đáng nói, các nguồn thu ngoài lãi tại BaoViet Bank ‘lao dốc’mạnh trong quý 2/2022. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 49%, chỉ còn hơn 10 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ còn 3 tỷ đồng, giảm 33%.
Thậm chí, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý 2/2022 lỗ gần 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 15 tỷ đồng; ‘vệt sáng’ duy nhất là hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lãi hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 628 triệu đồng.
Các hoạt động kinh doanh của BaoViet Bank đều giảm mạnh so cùng kỳ khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ còn vỏn vẹn hơn 59 tỷ đồng, giảm đến 72% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, trong quý 2/2022 nhà băng này giảm mạnh 79% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 42 tỷ đồng. Vì vậy, BaoViet Bank báo lãi trước và sau thuế đều tăng 76% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 17,6 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động kinh doanh của BaoViet Bank cũng không sáng sủa là mấy.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm tới 43% còn hơn 350 tỷ đồng. Các hoạt động ngoài lãi như hoạt động dịch vụ giảm 24% còn hơn 29 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 119 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lỗ gần 37 tỷ đồng;…Do đó, lợi nhuận thuần giảm mạnh 83% so với cùng kỳ 2021, chỉ còn hơn 68 tỷ đồng.
Do nhà băng này nhẹ tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm tới 89% xuống còn 41,8 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế tăng 51% đạt 25,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 56% đạt 13,6 tỷ đồng.
Năm 2022, BaoViet Bank đặt kế hoạch lãi trước thuế 90 tỷ đồng, như vậy, dù đã qua nửa năm nhưng nhà băng này chỉ mới thực hiện được 28% mục tiêu lợi nhuận.
BaoViet Bank vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC
Điểm sáng trong bức tranh tài chính tại BaoViet Bank chính là chất lượng tín dụng.
Tính đến 30/6/2022, nợ xấu giảm 17% xuống còn 1.030 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm mạnh nhất 56% xuống còn hơn 82 tỷ đồng, nợ nghi ngờ giảm nhẹ 2% còn 151 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng giảm nhẹ 12% còn gần 796 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại BaoViet Bank giảm từ mức 4,94% hồi đầu năm xuống còn 3,63%.
Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ xấu lại cho Công Quản lý Tài sản (VAMC). VAMC sẽ mua lại nợ xấu từ phía ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt trong thời hạn 5 năm với lãi suất 0% và mỗi năm các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số trái phiếu này.
Thực tế, khi bán nợ cho VAMC, chỉ là cách giúp ngân hàng kéo được tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức cho phép và kéo dài thời gian để trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu này. Hay nói cách khác là VAMC chỉ là nơi “gửi đỡ” nợ xấu và cuối cùng thì chủ thể xử lý khoản nợ xấu này vẫn là các ngân hàng.
Khi các khoản nợ xấu này được xử lý xong sẽ được hoàn nhập dự phòng, góp phần làm tăng lợi nhuận thực sự của ngân hàng. Tuy nhiên, dù rất muốn, nhưng không phải nhà băng nào cũng có khả năng để nhanh chóng tất toán hết trái phiếu VAMC, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn.
BaoVietBank là một điển hình, do tỷ lệ nợ xấu nhiều năm qua đều trên 3% thậm chí có thời điểm vượt ngưỡng 10,53% nên đến giờ vẫn chưa thể sạch nợ xấu tại VAMC.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 tại BaoViet Bank, tính đến 30/6/2022, số liệu trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành còn hơn 2.643 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nhà băng này đã trích lập dự phòng hơn 447,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính đến 30/6/2022, BaoViet Bank nắm giữ hơn 12.424 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết