Bảo Yên - Lào Cai: Lời kêu cứu của người đàn bà có công khắc phục ô nhiễm trước cửa đền Bảo Hà

(KDPL) - Tại phần đất giải tỏa để tôn tạo mở rộng khu di tích đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) có hai căn nhà sàn và việc giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng nên những hộ dân sinh sống tại đây vẫn không đồng ý di rời.

Theo đơn thư của bà Hoàng Thị Huệ, sinh năm 1973, hộ khẩu thường trú tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai gửi báo Kinh doanh & Pháp luật thì khu đất hiện nay bà đang quản lý và sử dụng trước đây là một bãi rác, sau đó, gia đình bà xin phép chính quyền dọn rác cải tạo và dựng nhà ở để bán hàng phục vụ khách đi lễ đền Bảo Hà. Gia đình bà đang ổn định mưu sinh tại đây thì đột nhiên đêm ngày 9/7/2016 vừa qua, chính quyền huyện đã đến cưỡng chế lều quán của bà mà không hề có thông báo trước cho gia đình bà. Nhận được đơn thư của bà, ngày 2/8/2016, phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật đã về tận xã Bảo Hà để tìm hiểu thực hư sự việc.

Bảo Yên - Lào Cai: Lời kêu cứu của người đàn bà có công khắc phục ô nhiễm trước cửa đền Bảo Hà - Ảnh 1
Bản đồ địa chính được đo đạc năm 2004 ghi rõ khu đất của chị Huệ thuộc tờ bản đồ 133 thửa 307

Trao đổi với phóng viên, bà Huệ cho biết: Khu đất hiện nay bà đang quản lý và sử dụng trước đây chỉ là một con đường xuống bến phà. Đến năm 2006, cầu Tân An được xây dựng bắc qua sông Hồng nối xã Bảo Hà với xã Tân An, và cũng từ thời điểm này bến phà không hoạt động nên trở thành nơi đổ rác của các hộ dân sống quanh khu vực đền Bảo Hà. Bấy giờ, lượng rác thải đổ về đây rất nhiều gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ban Quản lý đền Bảo Hà đã rất nhiều lần huy động lực lượng để dọn vệ sinh nhưng không thể xuể được. 

Đến 2008, vợ chồng bà Huệ là dân buôn bán quanh khu vực đền, nhà cửa thì không có, con cái thì đông, thấy con đường xuống bến phà bỏ không và rác thải ngập ngụa gây ô nhiễm nên vợ chồng bà đã xin chính quyền địa phương dọn rác, hàng vài năm liền, vợ chồng bà phải thuê xe xúc dọn rác đi, cũng may là do tác động của tự nhiên dòng sông đã không phụ công cải tạo khu đất của ông bà và bãi rác nơi bến phà cũ được bồi lấp thành một bãi rộng. Vợ chồng ông bà đã xin chính quyền dựng dãy quán để kinh doanh, phục vụ cho nhu cầu đi lễ đền. Tại thời điểm 2008, ông Trung - Chủ tịch UBND xã đã tạo điều kiện cho vợ chồng bà dựng lều quán để kinh doanh. Cho đến 2010, cả khu vực này không có công ty vệ sinh môi trường nên gia đình bà đã làm đường cho dân ra tận ngoài mép sông để đổ rác. Năm 2010 vợ chồng bà Huệ đã xin chính quyền được tôn tạo đổ đất làm nền để xây dựng khu chăn nuôi, trồng cây và dựng nhà ở và được chính quyền địa phương chấp thuận. 

Bà kể lại: “Giai đoạn đầu rất vất vả, cứ đổ được ít đất xuống thì nước sông dâng cao sạt lở hết, để khắc phục tình trạng lở đất, chúng tôi đã dùng đá tạo thành bờ kè để giữ đất. Ngoài việc giữ đất không trôi đi mà còn đảm bảo cho chân kè đền không bị xói mòn bởi dòng nước và còn tác dụng làm sạch môi trường, thời gian kè và lấp đã tạo nên khoảng đất rộng với nhiều cây cối được trồng. Năm 2011 nhà đền không có bãi để xe ô tô, tất cả các xe của khách lễ toàn đỗ trên đường và trên cầu. Gia đình bà đã hợp đồng cho nhà đền mượn để làm bãi trông giữ xe và không thu phí trông giữ xe”.

Bảo Yên - Lào Cai: Lời kêu cứu của người đàn bà có công khắc phục ô nhiễm trước cửa đền Bảo Hà - Ảnh 2
Bản đồ quy hoạch khu cực đền Bảo Hà

Lời hứa của người có trách nhiệm ở địa phương liệu có đem lại niềm tin cho dân?

Bảo Yên - Lào Cai: Lời kêu cứu của người đàn bà có công khắc phục ô nhiễm trước cửa đền Bảo Hà - Ảnh 3
Đơn đề nghị của bà của bà Hoàng Thị Huệ

Bảo Yên - Lào Cai: Lời kêu cứu của người đàn bà có công khắc phục ô nhiễm trước cửa đền Bảo Hà - Ảnh 4
Xác nhận của địa phương trong đơn đề nghị của chị Huệ

Tại phần đất giải tỏa để tôn tạo mở rộng khu di tích đền Bảo Hà có hai căn nhà sàn và việc giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng nên những hộ dân sinh sống tại đây vẫn không đồng ý di rời. Trong đó có hộ ông Trần Trung Hợp, vì vẫn chưa được cấp đất tái định cư hay phương án bồi thường nên vẫn chưa thể di dời. Lúc đó ông Hoàng Quang Đạt đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên biết bà Huệ đang có ý muốn dựng nhà sàn trên khu đất bãi rác đã cải tạo nên đã nhờ bà Huệ mua giúp 2 căn nhà sàn để giúp việc giải phóng mặt bằng nhanh hơn và để ông Đạt hoàn thành nhiệm vụ. Bà Huệ đồng ý bỏ tiền mua (có hợp đồng giao kèo với giá 600 triệu để mua 2 khung nhà sàn) rồi mang về dựng nhà trên đất của mình. Ông Đạt còn nói và hứa với bà Huệ là đất gia đình bà đang sinh sống là đất khu vực bờ kè, sau nay nếu có di dời sẽ hỗ trợ di dời và cấp đất tái định cư. Tới năm 2015, ông Trần Trung Hợp vẫn chưa nhận được đất tái định cư và tiền hỗ trợ di dời, nhưng lại phải di dời, cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Phía ông Hợp có nói lại với bà Huệ là chưa thể đi được vì chưa có chỗ ở và tiền đền bù, nếu đi thì không biết ở đâu?

Đang đêm bị cưỡng chế khiến gia đình bà Huệ hoang mang

Bảo Yên - Lào Cai: Lời kêu cứu của người đàn bà có công khắc phục ô nhiễm trước cửa đền Bảo Hà - Ảnh 5
Toàn cảnh khu vực đất được bà Huệ khai phá

Chia sẻ với phóng viên, bà Huệ cho biết: “Vào khoảng 21 giờ ngày 9/7/2016, khi gia đình chúng tôi đang ngủ bỗng nghe thấy tiếng ồn ào và tiếng gọi thất thanh của con trai gọi: Mẹ ơi sao công an đến nhà mình đông lắm. Tôi choàng dậy tất tưởi chạy xuống khu vực sát đền ông Hoàng Bảy nơi tôi vừa cất hai cái lán để làm cửa hàng bán đồ vàng mã hương đèn cho khách đi lễ thì chứng kiến cảnh chính quyền đang dùng máy cưa để cưa cột lán. Trước sự việc đấy, tôi có hỏi anh Đạt - Chủ tịch huyện, trưởng đoàn cùng anh Cương - Trưởng công an huyện Bảo Yên, rằng sao các anh lại đang đêm đi phá nhà tôi mà không có bất kỳ thông báo gì cho chúng tôi thế, ông Đạt thì trả lời rằng tôi lấn chiếm đất công, còn ông Cương công an trả lời rằng chúng tôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự”. 

Theo như lời của bà Huệ thì từ khi gia đình xin phép chính quyền ra khu vực này dọn rác và khai phá để làm nhà ở thì chưa một văn bản nào nói về vấn đề đất công hay biên bản xử lý hành chính về lấn chiếm đất công cũng như xây dựng trái phép. Khi sự việc trên kết thúc do sự phản đối của gia đình cũng như nhân dân ở khu vực thì ngày 14/7/2016 UBND huyện Bảo Yên có Thông báo số 90 về việc về việc kiểm tra xử lý hành chính tại bờ sông Hồng xã Bảo Hà. Nội dung thông báo là thực hiện Kế hoạch 116/KH - UBND ngày 12/7/2016 của UBND huyện Bảo Yên và Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 12/7/2016 về việc thành lập đoàn kiểm tra xử lý vi phạm hành chính tại khu vực bờ sông Hồng vị trí từ cầu Tân An đến đền Bảo Hà. Như vậy đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ đêm ngày 9/7/2016 được thành lập trước khi văn bản được ban hành?

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Bảo Hà, ông cho biết sự việc có đoàn kiểm tra khoảng trăm người gồm nhiều lực lượng là thực hiện việc bắt quả tang hành vi san lấp trái phép của chị Huệ là dựa trên tin báo của quần chúng. Thiết nghĩ: Sự việc xảy ra giữa đêm hôm mà huy động cả một lực lượng như vậy liệu có đúng theo trình tự giải tỏa, cưỡng chế? Hơn nữa, khi đoàn kiểm tra xuống hiện trường như thông tin của quần chúng phản ánh thì lại không có hiện tượng san lấp trái phép, còn việc vì sao cột lán nhà bà Huệ bị lực lượng chức năng của huyện cưa cắt thì vẫn chưa được giải thích thoả đáng. Dựa trên cơ sở bản đồ địa chính do cán bộ địa chính xã cung cấp cho phóng viên thì thửa đất của chị Huệ đang sử dụng có số thửa 307 thuộc tờ bản đồ 133 và có kí hiệu HgDn (đất hoang đồi), được đo đạc năm 2004.

Qua tìm hiểu từ phía các hộ dân bán hàng tại khu vực đền Bảo Hà thì từ khi gia đình bà Huệ bắt đầu tôn tạo trên bãi rác thì khu di tích đền trở nên sạch sẽ, quang đãng. Du khách đỗ xe không mất phí. Không lẽ, từ bãi rác, ô nhiễm trầm trọng, gia đình chị đã cải tạo, đầu tư xây dựng và sử dụng gần 10 năm khiến mảnh đất trở nên đẹp đẽ và giá trị nên bỗng chốc đã trở thành một “miếng mồi ngon”. Phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật đã liên hệ làm việc với UBND huyện Bảo Yên, UBND xã Bảo Hà để làm sáng tỏ nội dung phản ánh của bà Huệ, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc và thông tin tới bạn đọc trong các số báo sau.

Võ Việt

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục