Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền của người dân Việt Nam tăng đột biến, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, bánh kẹo, mứt, rượu, nước giải khát…Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm Tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn đánh lừa người tiêu dùng.
Một trong những mặt hàng bán chạy trong những ngày Tết đó là các loại bánh kẹo, mứt. Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường bánh kẹo bắt đầu tăng nhiệt. Đây cũng là thời điểm các mặt hàng bánh kẹo trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ xuất hiện tràn lan.
Người dân có xu hướng mua bánh kẹo, mứt để làm quà biếu tặng hoặc mang ra tiếp khách. Nắm bắt được nhu cầu này, ngày càng có nhiều loại bánh kẹo trên thị trường với mẫu mã đa dạng, mùi vị mới lạ, cho đủ loại phân khúc khách hàng khác nhau. Nhất là hiện nay, xu hướng sản phẩm handmade (sản phẩm nhà làm) ngày càng nở rộ và được ưa chuộng. Nắm được nhu cầu và thị hiếu mua sắm cuối năm của người tiêu dùng, một số cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo, mứt làm giả, làm nhái các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mặc dù đã được cảnh báo về sự nguy hại khó lường của hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm nhưng bánh kẹo không tem nhãn, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng vẫn được bày bán tràn lan và công khai với lượng tiêu thụ khá lớn.
Thực tế cho thấy, các trang mạng xã hội cá nhân và các sản phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Qua quan sát, các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng gần như không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Các chủ trang mạng bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng.
Còn việc mua thực phẩm online hầu như bằng 'niềm tin' là chính. Do đó, nếu chủ các trang bán hàng online thấy cái lợi trước mắt, thiếu chữ tâm trong sản xuất, mua những nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh trong chế biến thì hậu quả người mà người tiêu dùng phải chịu là rất lớn.
Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng người bán cũng là mối buôn trung gian, nhập hàng từ các chợ đầu mối về bán nhưng bóc mác và nhận tự làm để lấy lòng tin của người mua diễn ra khá phổ biến. Do vậy, người tiêu dùng trước khi mua cần kiểm định thông tin, chịu khó đến tận cơ sở sản xuất, không để chủ hàng lừa nhằm tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi dịp Tết đang đến gần…
Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay việc buôn bán thực phẩm tự làm trên mạng xã hội khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải nơi nào rao bán những sản phẩm nhà làm cũng là hàng có chất lượng, có một số nơi lợi dụng quảng cáo như thế để bán hàng kém chất lượng.
Chính vì thế khi mua hàng người tiêu dùng phải biết thật chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo, vì trường hợp chỉ nghe qua quảng cáo nhưng lại gặp phải hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất lạc hậu, công nghệ kém từ không ít các hộ kinh doanh… dẫn đến tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khi các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ… vẫn phổ biến ở nhiều địa phương.
Minh Anh