Bán nhà qua tin nhắn không hiệu quả, tại sao vẫn được áp dụng?
Giải pháp tiếp thị bán hàng... rẻ nhất!
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Marketing Công ty CP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh nhận xét: Hình thức gửi tin nhắn bằng điện thoại, email đến khách hàng thực sự không mang lại hiệu quả. Bởi đã có đơn vị thực hiện cách này, nhưng khi thực hiện gửi khoảng 100 email thì hiếm hoi chỉ có được 1 email phản hồi lại.
“Chính tôi cũng là nạn nhân của các tin nhắn quảng cáo không chỉ giới thiệu bất động sản mà còn cả lĩnh vực khác nữa, thậm chí có ngày tôi còn nhận được tới 10 email quảng cáo mỗi ngày. Khi nhận được email như thế tôi chỉ đọc tiêu đề thôi, còn nội dung không đọc. Bên cạnh đó, theo tôi, cách quảng cáo này vô hình chung các doanh nghiệp đang tự lãng phí nguồn lực của mình”, ông Hưng chia sẻ.
Nhiều chủ đầu tư dự án chia sẻ, họ rất bất bình với kiểu "bán hàng nông dân" như vậy. Bởi, sản phẩm bất động sản có giá trị lớn do vậy khách hàng nếu muốn mua họ sẽ tự tìm hiểu kỹ thông tin và chắc chắn họ cũng sẽ tìm đến đơn vị uy tín để mua bán, giao dịch.
Nhiều chủ đầu tư địa ốc cũng cho biết chuyện spam SMS bán dự án địa ốc không phải là chủ trương của họ, mà đa phần là của các đại lí môi giới, ở dưới là các nhân viên môi giới, và cấp “tự do” là các cộng tác viên môi giới.
Tuy nhiên, “Trong thời buổi mà các chủ đầu tư không có nhiều kinh phí hỗ trợ tiếp thị marketing bán hàng, thậm chí ngay cả tiếp thị marketing cũng rất khó có được khách hàng mua sản phẩm, thì quảng cáo… đến tận tay từng khách hàng như kiểu spam sms trở nên hiệu quả hơn, cũng tiết kiệm hơn, tuy rằng có đôi khi cũng khiến nhiều khách hàng… bực mình hơn". Nói đúng ra khách hàng nào bực mình chứng tỏ họ không phải là khách hàng mục tiêu có nhu cầu mua nhà, còn khách hàng nào đang có nhu cầu mua nhà thì tuy bị tin nhắn rác quấy rầy một chút, họ cũng không không xem đây là rác mà trái lại đọc hết các tin như một kênh thông tin hữu hiệu cho các lực chọn - anh Quỳnh, chủ một đại lí môi giới địa ốc tại TP Hồ Chí Minh và cũng là chủ một diễn đàn mua bán địa ốc, chia sẻ.
Nói về kinh phí, quả thực việc spam SMS thuê so với các chi phí tiếp thị, bán hàng khác khá rẻ. Phần lớn các dịch vụ chạy spam SMS thuê đều lấy phí các tin nhắn gửi đến các nhà mạng với mức 25 đồng/ 1SMS. Điều kiện để có mức giá này là các tin nhắn gửi các mạng thông thường phải từ 10.000 tin/ lượt trở lên. Điều đó có nghĩa khi một khách hàng nhận được một tin nhắn giới thiệu 1 dự án, thì sẽ có 9.999 khách hàng khác cũng đã nhận tin nhắn này. Đây thực sự là một cách quảng cáo hàng loạt mà bất kì một cá nhân, nhân viên môi giới nào cũng có thể tự bỏ tiền ra làm. Không lạ khi gần 100% tin nhắn spam kiểu này đều kèm theo số điện thoại cầm tay cá nhân!
Chạy theo xu hướng chung!
Chị Thủy, một nhân viên môi giới cựu trào từ Nam Long, hiện là cộng tác viên tự do cho biết, bản thân các môi giới tuy biết spam SMS là không “lịch sự”, nhưng cũng không cưỡng lại xu hướng các môi giới khác đang làm cách này.
Xác suất khách hàng hồi đáp theo chị là 1:10.000. “Chỉ như vậy cũng đã là quá tốt. Hãy thử hình dung có một dự án đang tung hàng với con số khoảng 10.000 căn hộ chưa kể cả ngàn biệt thự nhà phố liền kề. Có khoảng 1.500 nhân viên, cộng tác viên môi giới các cấp tham gia bán dự án này. Nếu không cạnh tranh spam tin đến từng khách hàng như vậy, bao giờ khách hàng mới có thể biết đến mình?” - chị Thủy nói.
Không bàn đến hiệu quả của cách làm này, phương thức quảng cáo bằng tin nhắn rác đã cho thấy một điều: trong thời khó khăn của địa ốc, các môi giới địa ốc đã linh động hơn, và phát triển những phương thức quảng cáo “đặc biệt” hơn.
Khách hàng lãnh đủ?
Có lẽ vì hai lý do trên mà thời gian gần đây, nhiều sàn bất động sản đã liên tục "tra tấn" khách hàng dưới hình thức nhắn tin chào mua, chào bán nhà đất. Nhiều khách hàng tỏ ra vô cùng bức xúc khi bất đắc dĩ phải nhận những tin nhắn rác kiểu này.
Chị Lệ Thủy ở Thanh Trì (Hà Nội) liên tục nhận được các tin nhắn giới thiệu dự án nhà đất từ nhiều số điện thoại lạ. Sản phẩm được rao bán có từ chung cư thương mại bình dân đến chung cư cao cấp, thậm chí có cả biệt thự. Tin nhắn qua điện thoại giới thiệu bán nhà đất mà nhiều người nhận được dù không có nhu cầu.
“Mới đầu chỉ nhận được 1 – 2 tin nhắn mỗi ngày thì tôi thấy bình thường nhưng cả tuần hầu như ngày nào cũng nhận được vài ba tin nhắn khiến tôi thực sự cảm thấy khó chịu, mất thời gian đọc nó. Buôn bán quảng cáo kiểu này chẳng khác gì “khủng bố” khách hàng” chị Thủy bức xúc.
Không chỉ được “săn đón” suốt ngày bằng những tin nhắn điện thoại, thời gian vừa qua, anh Thảo (Hoàng Mai – Hà Nội) cũng “điên đầu” vì những email rao bán, giới thiệu nhà đất. Anh Thảo cho hay, gần đây nhất anh nhận được những email có nội dung dài lê thê để giới thiệu bán dự án chung cư ở Hà Nội, thậm chí là cả dự án rao bán đất ở Bình Dương, rao bán nhà ở Sài Gòn…
Mai Hoa - (Tổng hợp theo DDDN, Infonet)