Trước đó,
Báo Kinh doanh và pháp luật đã phản ánh về việc hai lô Trà Giảo cổ lam Tuệ Linh sản xuất ngày 06/1/2016 và lô sản xuất ngày 03/01/2016 được bán ra thị trường ghi rõ “Nguyên liệu được trồng theo tiêu chuẩn Organic”.
Sản phẩm Trà Giảo cổ lam của Công ty Tuệ Linh ghi rõ “Nguyên liệu được trồng theo tiêu chuẩn Organic”
Tuy nhiên, theo xác nhận của Cục quản lý Y Dược Cổ truyền, Bộ Y tế - nguyên liệu Giảo cổ lam của Công ty TNHH Tuệ Linh (Công ty Tuệ Linh) được trồng tại Mộc Châu, Sơn La, địa chỉ này không có tên trong danh sách vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP, và càng không thể đạt theo tiêu chuẩn Organic - một tiêu chuẩn nghiêm ngặt và cao nhất thế giới hiện nay.
Điều này đã làm dấy lên nghi vấn Công ty Tuệ Linh cố tình giả mạo, tự phong cho sản sản phẩm Trà Giảo cổ lam đạt tiêu chuẩn Organic để lừa dối người tiêu dùng, đưa ra thị trường những sản phẩm không đạt chuẩn, kém chất lượng.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nghi vấn nguyên liệu mạo danh đạt chuẩn Organic. Mới đây, PV Báo Kinh doanh và pháp luật tiếp tục phát hiện lô sản phẩm Trà Giảo cổ lam sản xuất ngày 3/8/2015 (Ngày sản xuất: 28/8/2015, Hạn sử dụng: 28/8/2017) của Công ty Tuệ Linh có in logo GMP (Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt) ở mặt trên của nhãn sản phẩm.
Công ty Tuệ Linh có in logo GMP lên mặt trên của nhãn sản phẩm Trà Giảo cổ lam
Được biết, GMP là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Good Manufacturing Practices”. Trong ngành sản xuất Dược phẩm, theo tài liệu của Cục quản lý dược, GMP là “Thực hành tốt sản xuất thuốc” theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tiêu chuẩn này áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dược phẩm nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến. Nó được áp dụng đối với tất cả các giai đoạn từ sản xuất các sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thương mại cho đến khi sản phẩm không tiếp tục sản xuất nữa.
GMP được xếp vào một trong những tiêu chuẩn uy tín nhất thế giới, đề cập đến mọi khía cạnh của quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng dược phẩm. Ở Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã công bố Hướng dẫn Thực hành tốt sản xuất thuốc và liên tục cập nhập Danh sách các cơ sở sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.
Tuy nhiên, trong cả 3 danh sách cập nhập đến ngày 17/7/2015 (với 169 cơ sở), đến ngày 09/12/2015 (với 174 cơ sở) và đến ngày 22/12/2015 (với 176 cơ sở) mà Cục Quản lý Dược công bố đều không hề có tên Công ty TNHH Tuệ Linh.
Vậy căn cứ vào đâu mà Công ty Tuệ Linh in logo tiêu chuẩn GMP lên sản phẩm Trà Giảo cổ lam? Đơn vị nào đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP cho công ty này? Phải chăng Công ty Tuệ Linh đang tiếp tục mạo danh đạt chuẩn GMP để lừa dối người tiêu dùng?
Trước thực trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Báo Kinh doanh & pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.
Hoài Anh