Điều 3, Nghị định số: 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa của Chính Phủ có nêu rõ: "Nhãn hàng hóa" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Và "Ghi nhãn hàng hóa" là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Mặt chính nhãn sản phẩm Trà Giảo cổ lam lô sản xuất ngày 1/8/2015, 3/8/2015, 1/3/2016 (từ trên xuống dưới)
Thông tư liên tịch số: 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương thì yêu cầu: “Việc ghi nhãn hoặc gắn trên nhãn các loại hình ảnh, hình vẽ, biểu trưng phải trung thực và không được gây hiểu nhầm, lừa dối hoặc tạo ra ấn tượng không đúng về bản chất đặc tính, công dụng của sản phẩm.”
Tuy nhiên, chiều ngày 13/7, khảo sát tại nhiều hiệu thuốc trên địa bàn TP Hà Nội, PV Báo Kinh doanh và pháp luật nhận thấy sản phẩm Trà Giảo cổ lam do Công ty TNHH Tuệ Linh sản xuất đang được bày bán tại các hiệu thuốc có nhiều loại nhãn mác khác nhau với những thông tin khác nhau về nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm. Điều này đang gây tranh cãi về nguồn gốc sản phẩm, thậm chí khiến người tiêu dùng hoang mang bởi tất cả những sản phẩm này đều gắn Tem chống hàng giả của Công ty Tuệ Linh.
Cụ thể, sản phẩm Trà Giảo cổ lam Tuệ Linh lô sản xuất ngày 1/8/2015 (Ngày sản xuất: 12/8/2015, Hạn sử dụng: 12/8/2017) chỉ ghi Dược liệu quý hiếm lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam.
Nhưng chỉ 2 ngày sau – tức lô sản xuất ngày 3/8/2015 (Ngày sản xuất: 28/8/2015, Hạn sử dụng: 28/8/2017), Công ty Tuệ Linh lại ghi Nguyên liệu được trồng theo tiêu chuẩn Organic. Ở mặt trên của nhãn sản phẩm, Công ty Tuệ Linh đã in hình ảnh vườn nguyên liệu Giảo cổ lam và dòng chữ “Vùng nguyên liệu Giảo cổ lam theo tiêu chuẩn GACP”. Không dừng lại ở đó, sản phẩm này còn được in logo Organic, GMP (Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt), GACP (Tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của WHO).
Mặt trên của nhãn sản phẩm Trà Giảo cổ lam lô sản xuất ngày 1/8/2015, 3/8/2015, 1/3/2016 (từ trên xuống dưới)
Với hàng loạt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe hàng đầu Việt Nam, thậm chí hàng đầu Thế giới như vậy hẳn người tiêu dùng sẽ rất yên tâm khi sử dụng sản phẩm của Công ty Tuệ Linh. Nhưng đến lô sản xuất ngày 1/3/2016 (Ngày sản xuất: 1/3/2016, Hạn sử dụng: 1/3/2018), nhãn sản phẩm Trà Giảo cổ lam của Công ty Tuệ Linh lại tiếp tục thay đổi. Vẫn hình ảnh vườn nguyên liệu Giảo cổ lam và dòng chữ “Vùng nguyên liệu Giảo cổ lam theo tiêu chuẩn GACP” nhưng logo Organic, GMP, GACP đã hoàn toàn biến mất.
Điều này đang làm dấy lên nghi vấn về nguồn nguyên liệu sản xuất Trà Giảo cổ lam của Công ty Tuệ Linh. Vùng nguyên liệu này đã đạt những tiêu chuẩn gì? Nếu đạt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, uy tín hàng đầu Việt Nam và Thế giới thì tại sao công ty lại liên tục thay đổi nhãn sản phẩm? Phải chăng Công ty Tuệ Linh đã cố tình giả mạo, tự phong cho nguyên liệu sản xuất Trà Giảo cổ lam đạt chuẩn để lừa dối người tiêu dùng?
Trước thực trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Báo Kinh doanh & pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.
Hoài Anh