Bài 2: Dự án Dream Land Hồ Tây: Tự ý thay đổi quy hoạch cho "đẹp mắt"!?

(Kinhdoanhnet) - Dự án DreamLand Hồ Tây được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phê duyệt 40 lô nhưng lại chào bán lên đến 46 lô. Về việc này, chủ đầu tư cho rằng "để tạo kiến trúc công trình đẹp mắt, phù hợp với nhu cầu thị trường nên công ty đã chia lại cho đồng đều...!?".

Nhiều khách hàng “hoài nghi” về dự án

Như Báo Kinh doanh & Pháp luật phản ánh, nhiều khách hàng khi đến mua nhà tại dự án Dream Land (107 Xuân La, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi lo lắng về tiến độ xây dựng cũng như thủ tục pháp lý của dự án này. 

Bài 2: Dự án Dream Land Hồ Tây: Tự ý thay đổi quy hoạch cho "đẹp mắt"!? - Ảnh 1

Dự án Dream Land Hồ Tây vẫn đang ngổn ngang gạch cát.

Theo ghi nhận của phóng viên, dự án Dream Land Hồ Tây tại số 107 Xuân La vẫn đang là bãi đất trống ngổn ngang gạch cát. Tuy nhiên, trên nhiều trang thông tin đã xuất hiện tràn lan những lời quảng cáo hoa mỹ rằng chỉ vài tháng nữa nơi đây sẽ là khu biệt thự liền kề lý tưởng, mang đến sự đẳng cấp, thời thượng cho khách hàng. Và, cũng khuyên khách hàng "mua nhanh kẻo hết" tại dự án này.

Trao đổi với phóng viên, đại diện của chủ đầu tư VinaLand cho biết: “Bên tôi thi công theo tiến độ dự án, nếu nhìn bằng mắt thường thì không thể biết ở dưới đất đã nhồi cọc hay chưa nên không thể nói đây là bãi đất trống”. Theo vị đại diện này cho biết, tháng 08/2017 tới, dự án sẽ hoàn thiện xong phần thô bên ngoài. 

Thế nhưng, hiện tại chẳng thấy công nhân nào thi công xây dựng và thủ tục pháp lý còn chưa đủ để chứng minh rằng dự án này được xây 46 lô như những lời “có cánh” quảng cáo trên các trang thông tin. 

Trao đổi với PV Báo Kinh doanh & Pháp luật, ông Nguyễn Ngọc Lương – Phó chủ tịch UBND  phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm lại cho rằng dự án này chưa khởi công xây dựng mà mới chỉ đang làm đường.

Về vấn đề hợp đồng mua bán nhà, đại diện chủ đầu tư quả quyết rằng họ chưa hề ký kết bất cứ hợp đồng mua bán nhà nào với khách hàng mà tất cả chỉ là hợp đồng vay vốn. “Bản hợp đồng vay vốn này không được phép để lộ ra bên ngoài nên tôi chỉ cho xem chứ không thể chụp lại hay đi photo được”, người đại diện này cho biết.

Trước đó, trong vai một người đi mua nhà tại dự án Dream Land Hồ Tây, phóng viên đã được người bán tư vấn rằng “Nếu đã ưng ý nhà thì đầu tiên đặt cọc 200 triệu đồng sau đó ký hợp đồng cho chủ đầu tư vay 30%, khoảng 15 ngày sau thì ký hợp đồng mua bán và trả tiền theo đúng tiến độ”. Người bán liên tục thúc giục phóng viên nhanh “chốt” căn để mua vì chuẩn bị có một khách hàng ở Lào Cai đến đặt 5 - 7 căn mặt tiền ở Dream Land để đầu tư, nếu không quyết mua nhanh sẽ hết.

Dễ gặp rủi ro vì dự án “chạy trước quy hoạch”

Với vị trí hấp dẫn, được quy hoạch thành nhà phố thương mại nên dự án Dream Land Hồ Tây được giới đầu tư săn mua, dù mức giá chào bán lên đến 130 triệu đến 160 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư sau khi tìm hiểu đã tá hỏa phát hiện dự án này được quy hoạch chỉ với 40 đơn vị sản phẩm, nhưng lại được chào bán lên đến 46 đơn vị sản phẩm. Việc đơn vị phân phối chào bán lên đến 46 sản phẩm khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại đến tính pháp lý của các sản phẩm đang được chào bán trên thị trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 17/01/2017 mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn số 13/BXD-HĐXD gửi chủ đầu tư dự án DreamLand. Theo đó, dự án DreamLand được Sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 gồm 40 lô có ký hiệu từ M1 đến M8, với diện tích mỗi lô từ 100,92m2 đến 212,28m2; số tầng công trình không quá 5 tầng.

Bài 2: Dự án Dream Land Hồ Tây: Tự ý thay đổi quy hoạch cho "đẹp mắt"!? - Ảnh 2

Văn bản của Bộ Xây dựng cấp phép cho Dự án Dream Land gồm 40 lô. 

Bài 2: Dự án Dream Land Hồ Tây: Tự ý thay đổi quy hoạch cho "đẹp mắt"!? - Ảnh 3

Chủ đầu tư dự án Dream Land tự ý chia lại dự án thành 46 lô cho... đẹp mắt.

Không chỉ với khu nhà thấp tầng, mà ngay với tòa nhà cao tầng được phê duyệt với chức năng văn phòng thương mại cùng thuộc lô đất dự án Dream Land, trên thị trường hiện nay, cũng đang xuất hiện nhiều lời chào mời mua căn hộ.

Trong một Thông cáo báo chí ngày 10/03/2017, được CTCP Đầu tư Bất động sản VinaLand công bố (doanh nghiệp được CTCP Đầu tư An Lộc ủy quyền chủ đầu tư dự án Dream Land Tây Hồ), VinaLand thừa nhận dự án Dream Land Hồ Tây được sở QHKT Hà Nội phê duyệt với 40 lô, với chiều rộng mặt tiền các lô mặt sau là 5m, mặt trước là 6m.

Tuy nhiên, “để đồng nhất các lô mặt trước và mặt sau thẳng hàng, tạo kiến trúc công trình trật tự đẹp mắt. Và đồng thời để phù hợp với nhu cầu thị trường, công ty đã chia lại cho đồng đều mặt trước và mặt sau đều có chiều rộng 5m. Việc thay đổi này, theo VinaLand, không vi phạm quy định của pháp luật về quy hoạch…”.

Cũng theo VinaLand, các thủ tục tiếp theo chỉ mang tính chất hoàn thiện. Đặc biệt, Sở Quy hoạch Hà Nội đã tiếp nhận và thụ lý hồ sơ của ty VinaLand để hoàn thiện nội dung trong vài tuần tới? 

Như vậy, có thể thấy Chủ đầu tư dự án đang tung hỏa mù khiến nhiều khách hàng đứng ngồi không yên vì hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư - Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạc cho biết, theo quy định tại Điều 55 (điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh), Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi số 66/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư phải bắt buộc xong móng mới được phép mở bán dự án.

Theo quy định trên, yêu cầu chủ đầu tư phải có năng lực tài chính tốt hơn khi muốn thực hiện dự án. Bởi họ phải có đủ vốn ít nhất đến khâu xong móng trước khi nhờ cậy đến nguồn tiền trả trước từ người mua nhà.

Được biết, một dự án khi triển khai ở thị trường BĐS trong nước thường được huy động vốn từ 3 nguồn: vốn tự có, vay ngân hàng và khách hàng trả tiền trước. Việc doanh nghiệp BĐS chưa xây xong móng dự án đã chào bán sản phẩm thực chất là một cách để huy động vốn.

Cũng theo Luật sư Tuấn Anh, trong trường hợp khi dự án chưa xây xong móng, nếu chủ đầu tư cần huy động nguồn lực tài chính thì phải ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng. Trong hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ đầu tư được nhận vốn góp của khách hàng và trả bằng lãi suất, không được trả bằng căn hộ.

Thực tế hiện nay không ít dự án vẫn được mở bán dưới một hình thức đặc biệt khi chưa hoàn thiện phần móng. Để thực hiện điều này, các chủ đầu tư thường sử dụng nhiều hình thức khác nhau. Khách hàng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ càng dự án rồi mới quyết định ký kết mua bán để tránh các rắc rối và thiệt thòi về sau.

Trong sự việc này, nhiều người đặt ra nghi vấn, liệu có phải chủ đầu tư không đủ vốn để hoàn thành móng như quy định, hoặc để trả nợ tiền sử dụng đất hay nợ ngân hàng và phải xoay sở nguồn vốn từ khách hàng?

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

 Nhóm PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục