Bài 1: Tăng giá BĐS: Chủ đầu tư cẩn thận mắc bẫy sàn

(Kinhdoanhnet) – Tăng giá bán căn hộ là một quyết định hết sức hệ trọng đối với một dự án BĐS, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người mua nhà và qua đó, quyết định sự thành công hay thất bại về thanh khoản của chính dự án đó. Thế nhưng, nhiều dự án trên thị trường BĐS hiện nay lại đang rơi vào tình cảnh “lúng túng”, thậm chí, phải thay đơn vị phân phối cũng chỉ vì quyết định tăng giá này.

Dự án BĐS và những sàn giao dịch “đứt gánh giữa đường”

Thị trường BĐS thời gian gần đây đang chứng kiến hàng loạt những dự án “đứt gánh” giữa đường với đơn vị phân phối. Hầu hết những dự án này đều có những lần mở bán đầu tiên hết sức hoành tráng, những tưởng sẽ thành công vang dội về thanh khoản. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau lại đột nhiên thay đổi đơn vị phân phối gây nên sự hoài nghi rất lớn trong dư luận.

Goldmark City, Imperia Garden hay gần đây nhất là Eco Green chính là những cái tên minh chứng rõ ràng nhất cho thực trạng này.

Hơn 1 năm trước, tháng 12/2014 thị trường BĐS còn ghi nhớ rất rõ đợt mở bán đầu tiên hết sức rầm rộ của dự án Goldmark City do Hệ thống Siêu thị dự án BĐS STDA làm đơn vị phân phối độc quyền. Với mức giá khởi điểm từ 23 – 27 triệu/m2 cùng với vị trí thuận lợi và nhiều tiện ích hiện đại trong một quần thể khu đô thị, dự án Goldmark City nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng. Những thông tin đăng tải trên báo chí về mức độ thanh khoản đáng ngưỡng mộ của dự án này trong đợt mở bán đầu tiên khiến thị trường hết sức kỳ vọng về một dự án thành công về thanh khoản.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, dư luận lại hết sức ngỡ ngàng trước sự vào cuộc của Đất xanh vào phân phối dự án này, mặc dù trước đó CĐT đã công bố STDA là đơn vị phân phối độc quyền. Cũng kể từ đó, dư luận không hề thấy bóng dáng của “người khổng lồ” Siêu thị dự án BĐS STDA trong việc phân phối dự án? Đây thực sự là một câu hỏi lớn của dư luận trước hiệu quả bán hàng mà STDA thể hiện trước đó?

Bài 1: Tăng giá BĐS: Chủ  đầu tư cẩn thận mắc bẫy sàn - Ảnh 1
Thị trường BĐS thời gian gần đây đang chứng kiến hàng loạt những dự án “đứt gánh” giữa đường với đơn vị phân phối

Điều đáng nói hơn là không chỉ Goldmark City, mà rất nhiều dự án khác do đơn vị này phân phối cũng chỉ được “xuôi chèo mát mái” trong thời gian ngắn, sau đó chủ đầu tư lại buộc phải giao cho đơn vị khác hoặc tự bán sản phẩm của mình.

Một dự án hot trên thị trường BĐS thời gian gần đây như Imperia Garden chính là một ví dụ. Những ngày đầu mở bán trên thị trường BĐS, dự án này cũng do đơn vị STDA phân phối độc quyền, tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó Chủ đầu tư dự án này đã phải thu lại quyền phân phối của STDA và tự bán sản phẩm của mình.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy từ một nhân viên của CĐT cho biết thì nguyên nhân của cuộc chuyển giao này chính là do những mâu thuẫn trong quá trình phân phối sản phẩm giữa CĐT và sàn giao dịch. Theo đó, sàn giao dịch đã không đáp ứng được những yêu cầu về thanh khoản của CĐT.

Đâu là nguyên nhân

Đi tìm câu trả lời cho thực trạng này, phóng viên Báo Kinh doanh và Pháp luật trong vai một khách hàng tìm mua nhà đã thâm nhập vào một số các sàn giao dịch phân phối dự án BĐS như đã giới thiệu ở trên. Theo đó, một điều khá trùng hợp là hầu hết các dự án đều có sự tăng giá mạnh sau lần mở bán đầu tiên. Tìm hiểu của chúng tôi được biết, hầu hết các dự án này đều có lần giao dịch đầu tiên hết sức thành công, tuy nhiên thanh khoản lại không có sự tăng trưởng mà ngày càng sụt giảm khiến đơn vị CĐT phải thay đơn vị phân phối từ độc quyền thành đa quyền.

Theo một nhân viên phân phối dự án Goldmark City cho biết, thời gian đầu, dự án bán rất tốt nhưng sau đó do chiến lược tăng giá từ đơn vị phân phối khiến lượng giao dịch giảm rõ rệt. Khi nhận thấy sàn không đủ sức bán dự án, CĐT đã quyết định đổi đơn vị phân phối khác cho dự án này.

Từ đó đến nay, lượng giao dịch tại dự án khá ổn định. Tuy không bứt phá như giai đoạn đầu nhưng chậm mà chắc và an toàn – nhân viên bán hàng này vui vẻ cho biết.

Đó cũng là thông tin mà phóng viên ghi nhận được tại nhiều dự án có sự chuyển giao quyền lực phân phối khác như Eco Green hay Imperia Garden, Vinhome Riverside…

Có như vậy mới thấy được rằng, “đường dài mới biết ngựa hay”, những tín hiệu thuận lợi ban đầu chưa chắc đã sự thành công cho cả một dự án BĐS. Hoặc nếu có cũng chỉ là thành công của một vài đơn vị làm ăn theo kiểu “hớt váng”, chộp giật không quan tâm đến lợi ích lâu dài của dự án, nhất là đối những dự án lớn có quy mô lên đến hàng nghìn căn hộ đòi hỏi phải có một chiến lược bán hàng bài bản, chuyên nghiệp và đánh trúng nhu cầu của khách hàng.

Đây cũng là sự cảnh báo cho các đơn vị chủ đầu tư khi lựa chọn đơn vị phân phối cũng như khi quyết định tăng giá bán căn hộ. Nếu không thật sự sáng suốt, dự án rất có thể bị “mắc cạn” cho chính những chiến lược của chính chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối.

Đi sâu phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, Báo KD&PL sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả trong những số tiếp theo.

Phương Linh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục