“Ðếm cua trong lỗ”
Ngày 17/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Cty Viễn thông Mobifone. Theo cáo trạng, năm 2015, các bị cáo là lãnh đạo tại Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tổng Cty viễn thông Mobifone đã để Mobifone mua 95% cổ phần của Cty CP nghe nhìn toàn cầu AVG với giá 8.445 tỷ đồng. Việc này trái quy định của Nhà nước, gây thất thoát hơn 6.590 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Phan Thị Hoa Mai - nguyên thành viên Hội đồng thành viên MobiFone khai đã không phản đối việc mua lại AVG vì có nhiều đánh giá tích cực, khả quan. Đáng chú ý, giá mua AVG từng được thống nhất lên tới 13.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào truyền hình chiếm 8.000 tỷ đồng. “Tôi không nhất trí mức giá này nhưng không có cơ sở để phản đối... Tôi băn khoăn về giá trị sổ sách của AVG nhưng không quan tâm giá mua cổ phần AVG là cao hay thấp” - bà Hoa nói. Tuy vậy, bị cáo khẳng định đã biết tình hình tài chính của AVG rất khó khăn, giá mua chênh lệch lớn nhưng vẫn biểu quyết đồng thuận việc mua bán.
Toàn cảnh phiên tòa ngày 17/12
Trong khi đó, các bị cáo Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng - cùng nguyên Phó Tổng GĐ Mobifone khai từng đánh giá AVG rất cao vì doanh nghiệp này sở hữu hệ thống hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển truyền hình số mặt đất tại Việt Nam. Mobifone tính toán khi mua lại AVG sẽ giúp việc kinh doanh truyền hình kỹ thuật số có khả thi, giúp Mobifone sớm tham gia thị trường quảng cáo trên truyền hình - vốn được dự báo có tiềm năng với doanh thu hơn 2 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2020.
Trên thực tế, hồ sơ vụ án thể hiện từ năm 2010 - 2015, lỗ lũy kế của AVG là hơn 1.634 tỷ đồng, chiếm 45% vốn điều lệ; đến ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế 1.963 tỷ đồng, chiếm 54% vốn điều lệ. Từ 2/1/2016, AVG đã thay đổi tên và biểu tượng truyền hình An Viên thành MobiTV. Từ đó đến nay, AVG luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính do công nợ lớn, không huy động được vốn vay, không hợp tác xã hội hóa được và cũng không thể thoái vốn 2 doanh nghiệp ngoài ngành.
Vai trò bộ trưởng ở đâu?
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT thừa nhận ký một số văn bản và yêu cầu bị cáo Trương Minh Tuấn - khi đó là Thứ trưởng Bộ TT&TT ký văn bản cho phép Mobifone mua AVG. Ông Son thừa nhận từng ký công văn 209 gửi Thủ tướng Chính phủ nội dung đề xuất cho Mobifone thực hiện dự án mua AVG đồng thời xin Thủ tướng giao cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án; đề nghị Thủ tướng phê duyệt và nếu được, Mobifone sẽ ký hợp đồng và Bộ TT&TT chỉ đạo vấn đề phát sinh; đề nghị Thủ tướng cho vay ưu đãi.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son tại tòa
Ông Son tiếp tục trình bày: “Sau công văn 209 gửi lên, chúng tôi nhận công văn của Bộ KH&ĐT trong đó đề nghị Thủ tướng chấp thuận đề nghị của Mobifone. Văn phòng Chính phủ có thông báo là Thủ tướng cơ bản đồng ý như Bộ KH&ĐT”. Bị cáo này khẳng định Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, ông Son cho rằng đã hiểu thông báo là đủ căn cứ để tiến hành việc mua bán.
Bị cáo Son trình bày: “Lúc đó, chúng tôi không biết là sai phạm, sau này làm việc mới biết”. Thẩm phán Trương Việt Toàn nói: “Bị cáo là bộ trưởng, không thể nhầm lẫn cơ bản, coi thông báo là quyết định... Ở đây, ai cũng nói thời điểm đó tôi chả hiểu gì cả nhưng vẫn trên ghế bộ trưởng, trên ghế Chủ tịch. Không hiểu gì thì làm bộ trưởng làm gì?”.
Về hành vi nhận hối lộ, ông Nguyễn Bắc Son được xác định đã nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ - nguyên Chủ tịch AVG “cảm ơn” sau khi bán được AVG. Ông Son từng khai đã đưa số tiền này cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền nhưng bà Huyền không thừa nhận. Ngoài ra, ông Son nói được Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Mobifone biếu 200 nghìn USD; Cao Duy Hải - nguyên Tổng GĐ Mobifone biếu 200 triệu đồng. Trong khi đó, bị cáo Trà khai đã đưa cho cựu bộ trưởng 700 nghìn USD; bị cáo Hải nói có đưa cho ông Son 200 nghìn USD.
Sáng phản cung, chiều nhận tội
Sáng 17/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son phản cung, nói không được các bị cáo Vũ, Trà, Hải đưa tiền. Bị cáo Son nói mình bị điều tra viên ép cung, bắt phải khai báo nhận hối lộ. Do sức khỏe yếu, ông phải khai theo ý điều tra viên: “Lúc đó, sức khỏe tôi yếu, từng 2 lần ngất trên bàn làm việc của cơ quan điều tra, lần một ngất đi 3 ngày, lần sau ngất đi 1 ngày mới tỉnh nhưng vẫn bị điều tra bắt làm việc liên tục... Tôi muốn giữ mạng sống nên phải khai như vậy”.
Tuy nhiên, chiều 17/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son xin trình bày và xin lỗi HĐXX vì buổi sáng có một số lời khai không đúng. Bị cáo nói: “Tôi xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra trước đây. Tôi chỉ xin thay đổi một chi tiết là số tiền 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ, tôi không đưa cho con gái mà chi tiêu cá nhân”. Ông Son thừa nhận có cầm tiền của các bị cáo Cao Duy Hải, Lê Nam Trà.
Chủ tọa đặt câu hỏi, tại sao đến giờ bị cáo khai lại? Nguyễn Bắc Son đáp: “Tôi cũng không hiểu thế nào... Giờ bị cáo thấy mình làm sao phải đảm bảo đúng những gì đã làm, đã diễn ra. Hiện tại, tinh thần bị cáo đã ổn định”. Kiểm sát viên yêu cầu lý giải tại sao Phạm Nhật Vũ lại đưa tiền cho ông Son và nếu bị cáo không là Bộ trưởng, không phê duyệt việc mua bán liệu có được nhận tiền? Nguyễn Bắc Son trả lời: “Tôi không hứa hẹn gì, Vũ cũng không hứa gì. Sau mua bán, Phạm Nhật Vũ tự nguyện mang đến. Tôi nghĩ Vũ thấy bán được giá trị như vậy nên đến cảm ơn”. Bị cáo Son nói đã tiêu hết 3 triệu USD nhưng không nhớ tiêu gì.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son nói: “Tôi xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra trước đây. Tôi chỉ xin thay đổi một chi tiết là số tiền 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ, tôi không đưa cho con gái mà chi tiêu cá nhân”
|
Theo Tienphong