Hai mặt của “chiếc vương miệng Astral City”
Gần đây, thị trường chung cư Bình Dương nổi lên với rất nhiều căn hộ chung cư giá đắt đỏ, nhưng dự án Astral City được xem là “king” với chiếc vương miệng trên đầu khi giá bán cao nhất vào thời điểm hiện tại và tổng mức đầu tư khủng lên đến 5.800 tỷ đồng.
Nếu là một vị vua thì trên mình phải đầy lụa lạ và trang sức óng ánh. Dựa vào mức giá (38-45 triệu đồng/m2, chưa VAT) làm điểm tựa, Astral City được quảng cáo nằm trên con đường tơ lụa Quốc lộ 13 (TP. Thuân An, Bình Dương), được xây dựng với quy mô 3,73ha và chủ đầu tư là đơn vị với hàng loạt dự án đã thực hiện – công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt.
Theo các web chào mời, Astral City là sự giao thoa của nhiều tuyến giao thông quan trọng. Từ đại lộ Bình Dương rẽ qua đường 30/4, đi khoảng 1km đến bến xe Bình Dương; hoặc rẽ theo hướng ngược lại, theo đường Phú Lợi về Biên Hòa (Đồng Nai); hay chạy thẳng qua quốc lộ 13 hướng về TP. Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 30 phút chạy xe.
Astral City mang đến sự yên bình, tĩnh tại mà ta không dễ tìm thấy giữa trung tâm thành phố Thuận An sầm uất. Đó là lối vào với những hàng cây xanh mát, với khuôn viên phủ kín bởi giàn dây leo, cùng thác nước chảy róc rách không ngừng… … Hiện tại, dự án này đang có giá bán căn hộ cao nhất tại Bình Dương.
Tuy nhiên, thực tế rất phũ phàng khi đời không như là mơ, so với nhiều dự án tại TP.HCM thì mức giá này là quá cao. Hơn nữa, từ đây đến trung tâm TP.HCM khoảng hơn 20km và lưu thông khá khó khăn bởi tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều năm qua.
Loạn thông tin xung quanh dự án Trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp Bình Dương. Khách hàng cần chú ý tìm hiểu kỹ trước khi mua để tránh các hậu hoạ về sau. Ảnh IT
Ngoài ra, những thứ tiện ích được khoác lên mang tính mỹ miều của Astral City thì hầu như dự án nào cũng có là công viên cây xanh, hồ bơi, phòng tập gym, yoga, khu vui chơi của trẻ em.
Mặt khác, 1 trang quảng cáo mang tên dự án căn hộ by Novaland đăng tải rao bán thông tin về dự án Astral City. Đáng nói mặc dù chưa giữ chỗ căn hộ xong nhưng lại khẳng định cho thuê mỗi tháng từ 800 – 1000usd. Tuy nhiên, một lãnh đạo Tập đoàn Novaland khẳng định, không liên quan gì đến dự án Astral City, đồng thời đã chuyển thông tin cho bộ phận pháp lý.
Sự thật… khó lường
Theo website chính thức của dự án Astral City, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đang làm chủ đầu tư thực hiện dự án này. Hiện tại, dự án đã tiến hành động thổ và làm lễ khởi công dự án vào ngày 26/2/2020.
Trả lời báo chí, ngày 3/6/2020, Sở Xây dựng tỉnh BD khẳng định, hiện tại trên địa bàn TP Thuận An không có tên dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND TP.Thuận An cho biết, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt hiện nay đang làm thủ tục đăng ký xin làm chủ đầu tư dự án án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương. Ngoài UBND TP.Thuận An chưa nhận được hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này do dự án chưa được công nhận chủ đầu tư.
Theo hồ sơ PV có được, Astral City có tên ban đầu là dự án Trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp Bình Dương do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn – KL làm chủ đầu tư.
Ngày 2/6/2020, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra dự án Trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp Bình Dương (QL13, Bình Hoà, TP Thuận An) phát hiện hành vi vi phạm thi công ép cọc và tiến hành lập biên bản.
Ngày 3/6/2020, Cơ quan chức năng đã ban hành Quyết định xử phạt số 86/QĐXPVPHC dựa theo khoản 5, Điều 15, Nghị định 139 của Chính phủ đối với Công ty CP Địa ốc Sài Gòn-KL. Theo đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn – KL đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt 40 triệu đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế hầu hết cách doanh nghiệp thực hiện việc thâu tóm quỹ đất bằng cách thông qua thâu tóm cổ phần chi phối ở doanh nghiệp đăng kí chủ đầu tư thực hiện dự án. Đây là cách làm thuận lợi và hiệu quả nhất giúp cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian phát triển dự án, bởi nếu thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng quỹ đất giữa hai pháp nhân rất mất thời gian (trung bình cũng phải 2-3 năm).
Mô hình “Nhà phát triển dự án” có nhiều ưu điểm, giúp nhiều dự án chết được hồi sinh, góp phần vào sự phát triển chung của thị trường thời gian qua; được áp dụng với các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất, hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Nhà phát triển dự án có vai trò, làm luôn thay chủ đầu tư dự án theo hợp đồng nhưng lại không phải chủ đầu tư, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm về các vấn đề xảy ra với khách hàng.
Điều này đẫn dến tình trạng, nhiều nhà phát triển dự án dùng thương hiệu của mình để thu hút, đẩy mạnh bán hàng, nhưng cũng khiến người mua bất động sản nhầm lẫn giữa đơn vị phát triển dự án và chủ đầu tư, gây nhầm lẫn đối với khách hàng về uy tín, khả năng cung cấp dịch vụ, trong khi pháp nhân chịu mọi trách nhiệm toàn bộ pháp lý về chất lượng, tiến độ bàn giao của dự án là chủ đầu tư.
Theo Doanhnghiep&đautu