Dựa trên cách tính theo tỷ giá hối đoái vào ngày 16/12 vừa qua, giá trị GDP của Ấn Độ là 2.300 tỷ USD trong khi của Anh là 2.290 tỷ USD. Điều này là dấu mốc có ý nghĩa rất to lớn về nhiều phương diện đối với Ấn Độ và thế giới, nhưng không gây bất ngờ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Năm 2016 được xem là năm thành công đối với Ấn Độ về kinh tế. Trong tháng 2-2016, nước này đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Váo tháng 10-2016, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ danh hiệu này trong tương lai gần và dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng 7,6% năm 2017.
Theo IMF, nền kinh tế Ấn Độ được hưởng lợi từ sự sụt giảm giá hàng hóa toàn cầu thông qua sự gia tăng thương mại, trong khi lạm phát thấp hơn dự kiến, theo IMF. Kể từ năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc đẩy cải cách thị trường sâu rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh chỉ đạt 1,8% năm 2016 và dự báo sẽ giảm xuống còn 1,1% vào năm 2017, do hậu quả của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Hệ lụy bất lợi từ Brexit về trung hạn cũng như lâu dài cũng buộc Thủ tướng Anh Theresa May phải dành ưu tiên mới cho mối quan hệ với các nước thuộc địa xưa trong khuôn khổ Khối thịnh vượng chung mà Ấn Độ là một trong những thành viên quan trọng nhất.
Trâm Anh