“Ám ảnh” cổ phiếu khoáng sản

(Kinhdoanhnet) – Làm ăn bết bát, liên tục vi phạm công bố thông tin, thậm chí là đã bị hủy niêm yết hoặc đang có nguy cơ bị hủy niêm yết, nhiều cổ phiếu khoáng sản từ nhiều năm nay đang tạo ra nỗi ám ảnh ngày một lớn đối với các nhà đầu tư, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh tốt đẹp mà nhiều công ty khoáng sản niêm yết khác đang có.

Thời mà những cổ phiếu khoáng sản đầu tiên niêm yết lên sàn cũng là thời điểm mà những cổ phiếu này nhận được rất nhiều sự chú ý và mong chờ từ các nhà đầu tư. Bởi quan niệm chung về ngành khai khoáng của nhiều nhà đầu tư thời điểm này là “chỉ cần đào lên mà bán”, hàm ý rằng khi mỏ đã được cấp phép khai thác rồi thì doanh nghiệp cứ khai thác, bán, thu tiền về mà chỉ phải chịu rất ít rủi ro.

 

“Ám ảnh” cổ phiếu khoáng sản - Ảnh 1

Cổ phiếu khoáng sản từng một thời được đông đảo nhà đầu tư mong chờ. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, giờ đây quan niệm của các nhà đầu tư về cổ phiếu khoáng sản đã rất khác. Quá nhiều doanh nghiệp khoáng sản làm ăn bết bát, bị cảnh báo, thậm chí bị hủy niêm yết. Giá cổ phiếu của phần lớn các công ty khoáng sản niêm yết thậm chí còn chẳng bằng giá của một mớ rau ngoài chợ.

Cách đây mới chỉ hơn 1 tháng, 110 triệu cổ phiếu SQC của CTCP Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn đã bị hủy niêm yết trên sàn HNX từ ngày 19/05/2016 do kết quả kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tiếp. Tỷ phú Đặng Thành Tâm hiện đang trực tiếp sở hữu 41% cổ phần của công ty này.

Nhưng chuyện công ty khoáng sản bị hủy niêm yết không mới. Năm 2014, cổ phiếu MMC của CTCP Khoáng sản Mangan cũng bị hủy niêm yết  trên sàn HNX cũng bởi lý do kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục.

Một cổ phiếu khoáng sản khác cũng đang có nguy cơ cao “theo bước đàn anh” là cổ phiếu KSS của CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico. Ngày 09/06/2016, Sở GDCK TP.HCM đã có văn bản số 782/SGDHCM-NY cảnh báo nguy cơ bị hủy niêm yết do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2015 của Công ty.

Còn đối với cổ phiếu BGM của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc giang, sau chuỗi thời gian “huy hoàng” 13 phiên tăng trần liên tiếp từ mức giá 1.700 đồng/cổ phiếu lên mức giá 2.900 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này đã rớt xuống mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/06/2016. Đồng thời, cổ phiếu BGM cũng “ẵm” luôn thông báo bị đưa vào diện cảnh báo của HOSE vì lý do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Cũng vì lý do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin, cổ phiếu CMI của CTCP CMISTONE Việt Nam đã bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ cuối năm 2015.

 

“Ám ảnh” cổ phiếu khoáng sản - Ảnh 2

Ấn tượng của nhà đầu tư về cổ phiếu khoáng sản đang ngày càng xấu đi. Ảnh: Internet

Nghiêm trọng hơn là trường hợp cổ phiếu KTB của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc đã bị tạm ngừng giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 13/04/2016. Hơn 2 tháng trôi qua, vẫn chưa có tiến triển gì trong việc giải quyết nguyên nhân dẫn đến tạm ngừng giao dịch cổ phiếu này.

Rất nhiều cổ phiếu khoáng sản khác đang bị cảnh báo do kết quả kinh doanh kém khả quan như cổ phiếu LCM của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai, cổ phiếu CTA của CTCP Vinavico, cổ phiếu MIM của CTCP Khoáng sản và Cơ khí.

Ngay cả những cổ phiếu khoáng sản dù không rơi vào diện cảnh báo nhưng vẫn không thể thoát nổi mức giá “mớ rau” cho mỗi cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/06/2016, mỗi cổ phiếu KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình có giá là 3.400 đồng, mỗi cổ phiếu KSA của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận có giá 4.200 đồng, mỗi cổ phiếu KSH của CTCP Đầu tư và Phát triển KSH có giá 3.100 đồng hay mỗi cổ phiếu KSK của CTCP Khoáng sản Luyện kim màu có giá 2.400 đồng. Thậm chí dù lãi tới 45 tỷ đồng trong năm 2015 nhưng mức giá mỗi cổ phiếu ACM của CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường vẫn chỉ là 3.600 đồng tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 27/06/2016.

Ám ảnh là thế nhưng cổ phiếu khoáng sản vẫn có một “ma lực” riêng. Đó chính nằm ở việc thị giá của phần lớn cổ phiếu khoáng sản rất thấp, vì thế nên biên độ tăng giảm giá của các cổ phiếu này rất lớn. Đây là cơ hội cho các nhà đầu cơ “trổ tài” giao dịch và nhanh chóng đem về những khoản lợi nhuận kếch sù, hoặc nhanh chóng khiến cả gia tài “cất cánh bay đi”.

Tùng Lâm

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục