Alphanam Group: Lợi nhuận èo uột vẫn "đánh dấu" loạt dự án khủng

Một số thành viên đã niêm yết trong “hệ sinh thái” Alphanam Group của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải nhiều năm qua có kết quả kinh doanh èo uột

Alphanam Group: Lợi nhuận èo uột vẫn "đánh dấu" loạt dự án khủng - Ảnh 1

Lợi nhuận kinh doanh èo uột

Alphanam Group được thành lập từ năm 1995 với tư cách là một nhà thầu xây dựng, cơ điện, thương mại. Trải qua 25 năm hình thành và phát triển dưới sự chèo lái của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải (SN 1965), hiện Alphanam Group đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hoạt động chính trong 3 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất & dịch vụ và quản lý khách sạn.

Trong đó, đã có một số thành viên niêm yết trên sàn chứng khoán, kể như CTCP Đầu tư Alphanam (Mã CK: ALP). Theo tìm hiểu, ALP tiền thân là CTCP Alphanam Công nghiệp, được thành lập vào tháng 11/2001, trụ sở chính đặt tại Khu Công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 2/12/2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã có thông báo hủy niêm yết đối với hơn 192 triệu cổ phiếu ALP theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2013 của công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu ALP.

Lý do hủy niêm yết của ALP lại ở khía cạnh khác liên quan đến đặc thù hoạt động đầu tư tài chính. Theo chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Hải, các khoản lỗ là do trích lập dự phòng khi thâu tóm những doanh nghiệp thua lỗ để tập trung cho chiến lược dài hạn. Trước mắt, hoạt động này trong ngắn hạn luôn phải nhận lỗ hợp nhất nên ALP rời sàn để không phải chịu áp lực ngắn hạn. Sau khi huỷ niêm yết, Alphanam trở thành công ty gia đình để bảo mật thông tin.

Sau khi hủy niêm yết, tên tuổi Alphanam gần như biến mất khỏi thị trường, các thông tin về doanh nghiệp cũng khó tiếp cận. Thông tin tài chính cuối cùng mà ALP công bố là báo cáo quý III/2014. Tính đến cuối quý III/2014, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của ALP là 385 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2017, các thông tin tài chính của ALP bắt đầu xuất hiện trở lại. Từ đây cũng hé lộ tình hình kinh doanh của ALP sau những năm “ẩn mình”.

Về kết quả kinh doanh, năm 2017, công ty này ghi nhận khoản doanh thu thuần lên tới 1.611 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2016 (502 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 444,8 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp trước đó của doanh nghiệp này. Riêng năm 2016, alphanam lỗ 134,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các năm sau đó biên lợi nhuận của ALP lại có xu hướng giảm dần.

Kết quả kinh doanh năm 2019 tại ALP. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019.
Kết quả kinh doanh năm 2019 tại ALP. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019.

Tại ngày 31/12/2019, cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tại ALP là Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải với tỷ lệ sở hữu 60% vốn điều lệ. Đứng thứ 2 là vợ ông Hải – bà Đỗ Thị Minh Anh với tỷ lệ sở hữu 19%. Phần vốn còn lại hầu hết được nắm giữ bởi các thành viên khác trong gia đình ông Hải.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của ALP đạt 1.434 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 103 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận giảm xuống còn 7%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của ALP đạt 1.427 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi trước và sau thuế chỉ đạt 111,9 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, giảm lần lượt 47% và 54% so với năm 2018.

Tính đến 31/12/2019, nợ phải trả tăng 16% so với năm đầu năm, đạt hơn 2.166 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 10%, ghi nhận gần 1.562 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh xuống còn 16,8 tỷ đồng, tương đương giảm 55%. Hàng tồn kho cũng tăng vọt lên 84%, ghi nhận hơn 422 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại ALP.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại ALP.

Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ALP đạt 5.249 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 1.400 tỷ đồng, chi phí xây dựng dở dang là 1.803 tỷ đồng. Ngoài ra, ALP cũng dành 905 tỷ đồng để đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh và một số đơn vị khác.

Kết thúc quý 3/2020, nợ phải trả của ALP ở mức 2.846 tỷ đồng, tăng 31% so với hồi đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 2.403 tỷ đồng, tăng trưởng 4,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 1.924 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 111,6 tỷ đồng.

Alphanam Group: Lợi nhuận èo uột vẫn "đánh dấu" loạt dự án khủng - Ảnh 2

Hiện nay, ALP đang sở hữu 9 công ty con, bao gồm: CTCP Alphanam E&C, CTCP Liên doanh Alpec, Tổng CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco, CTCP Đô thị Hanel – Alphanam, CTCP Địa ốc Foodinco, CTCP Đầu tư Công viên văn hoá Mường Hoa, CTCP Foodinco Quy Nhơn, CTCP Foodinco Miền Trung, CTCP Foodinco Tây Nguyên.

Thực tế, trong vài năm gần đây, Tập đoàn Alphanam gần như đã không còn tình trạng đầu tư dàn trải, mà chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi là bất động sản và khách sạn du lịch. Thông qua các công ty liên quan nêu trên, Alphanam đã đang phát triển hàng loạt dự án bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Cùng với đó, các pháp nhân thành viên hoạt động trong lĩnh vực này cũng được hình thành. Trong đó, đóng vai trò cốt lõi là CTCP Địa ốc Alphanam (Địa ốc Alphanam) được thành lập vào tháng 4/2007, trụ sở chính đặt tại số 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đáng chú ý, tại thời điểm 1/9/2017, công ty CP Địa Ốc Alphanam không còn là công ty con của ALP nữa, các khoản đầu tư vào công ty Cổ phần Địa Ốc Alphanam chuyển sang khoản đầu tư vào công ty liên kết do trong năm công ty CP Đầu tư Alphanam của ông Nguyễn Tuấn Hải đã chuyển nhượng 30.600.400 cổ phiếu tại công ty CP Địa Ốc Alphanam và chỉ còn nắm giữ 27.803.338 cổ phần, tương ứng 46%vốn điều lệ tại công ty này.

Về kết quả kinh doanh của Địa ốc Alphanam cho thấy chưa thực sự hiệu quả.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Địa ốc Alphanam đạt 239,4 tỷ đồng, tuy nhiên lãi thuần chỉ ở mức 209 triệu đồng, tương ứng biên lợi nhuận 0,087%.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Địa ốc Alphanam đạt 2.719 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.220 tỷ đồng.

Bất chấp hoạt động kinh doanh kém khả quan, Alphanam ‘ồ ạt’ đầu tư bất động sản và du lịch

Hồi tháng 6/2019, dự án Altara Residences Quy Nhơn do Công ty CP Foodinco Quy Nhơn – một công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam, làm chủ đầu tư cũng đã chào sàn.

Đây là dự án tổ hợp căn hộ cao cấp cao 40 tầng nổi, 2 tầng hầm, triển khai trên diện tích hơn 2.600 m2, nằm trên đất vàng đường Trần Hưng Đạo (thành phố Quy Nhơn), mật độ xây dựng 45%. Dự án dự kiến cung cấp cho thị trường Quy Nhơn 479 căn hộ cao cấp 1-2 phòng ngủ, diện tích dao động 45 m2 đến 71,5 m2.

Phối cảnh dự án Altara Residences Quy Nhơn.
Phối cảnh dự án Altara Residences Quy Nhơn.

Tuy nhiên, tại một buổi mở bán căn hộ một số khách hàng đã tỏ ra băn khoăn khi xem kỹ hợp đồng thì mới biết dự án này được nhà nước giao đất 50 năm những nhân viên tư vấn khẳng định như đinh đóng cột rằng “khách hàng mua sẽ được cấp sổ đỏ sở hữu lâu dài”.

Lý giải về điều này, đại diện Công ty CP Foodinco Quy Nhơn cho biết: ‘Doanh nghiệp nếu sử dụng thì chỉ được 50 năm nhưng khi chuyển đổi thành dự án nhà ở thì người mua sau cùng được sở hữu lâu dài. Quy định này ban hành nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư dự án ngâm dự án mà không làm gì hết nhưng vẫn sở hữu lâu dài, gây lãng phí”.

Nhiều luật sư cho rằng, giải thích của đại diện Công ty CP Foodinco Quy Nhơn về dự án Altara Residences Quy Nhơn là không có cơ sở. Theo đó, với thời hạn sử dụng đất 50 năm thì chủ đầu tư dự án chỉ được phép quảng cáo dự án đó là “có thời hạn sử dụng” chứ không phải là “sử dụng lâu dài” hay “sở hữu vĩnh viễn”.

Tháng 4/2019, Tập đoàn Alphanam cũng đã “kéo quân” về Lai Châu tham gia dự án Khu đô thị Mường Hoa, Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Theo kết quả UBND tỉnh Lào Cai công bố, nhà đầu tư dự án (theo hình thức chỉ định) là Liên danh Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á.

Theo tìm hiểu, 2 công ty trong liên danh nhà đầu tư trên đều là các công ty con của Công ty CP đầu tư Alphanam.

Trong đó, Công ty CP đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa được thành lập ngày 16/3/2017 với số vốn điều lệ là 790 tỉ đồng; người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Văn Chiến; Alphanam là cổ đông lớn nhất với số vốn góp 553 tỉ đồng (70% vốn điều lệ).

Công ty CP dịch vụ và thương mại Đông Á được cấp giấy phép hoạt động ngày 6/5/2005, vốn điều lệ hiện là 180 tỉ đồng; có địa chỉ tại Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây cũng là địa chỉ trên hồ sơ doanh nghiệp của Công ty CP đầu tư Alphanam.

Người đại diện theo pháp luật của công ty Đông Á là ông Bùi Đình Quý. Ông Bùi Đình Quý hiện cũng là Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Anlphanam.

Ngoài ra, cuối năm 2016, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Đông Á (doanh nghiệp đầu tư gián tiếp của Alphanam) đã công bố ra mắt Dự án Khu đô thị Golden City An Giang tại Thành phố Long Xuyên.

Phối cảnh dự án Khu đô thị Golden City An Giang.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Golden City An Giang.

Dự án Khu đô thị Golden City An Giang có quy mô diện tích 48,92 ha, nằm ngay trung tâm thành phố Long Xuyên, cạnh Khu liên hiệp văn hóa thể thao, hội chợ triển lãm, Khu hành chính của thành phố Long Xuyên và tỉnh An Giang.

Gần nhất, dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà do Công ty cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà (công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam) đã được tỉnh Yên Bái ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Dự án có tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng, quy mô hơn 2.594 ha, bao gồm các hạng mục chính như khu resort nghỉ dưỡng; tổ hợp thương mại dịch vụ; khu khách sạn; khu vui chơi giải trí, thể thao; khu công viên, làng văn hóa… Đây hiện là một trong những dự án có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất nhì Yên Bái.

 

Lê Tuấn

Doanhnghiepvadautu
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục