Sau hơn 2 tháng lên sàn, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) biến động lên xuống trong biên độ nhẹ và vẫn chưa thể quay về mức ban đầu là 39.000 đồng cho đến tận ngày 11/10. Tuy nhiên với chuỗi 6 ngày phủ xanh, VPB đã chính thức vượt qua ngưỡng cản để lên mức cao mới là 40.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần trước, đưa cổ phiếu này trở thành cổ phiếu đắt nhất dòng ngân hàng. Vốn hóa VPB chính thức vượt 60.000 tỷ đồng, tăng thêm hơn 10% so với ngày đầu niêm yết.
Câu hỏi đặt ra là điều gì đang điều khiển giá cổ phiếu này?
VPBank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn trong năm nay và cũng là đầu tiên kể từ sau khi BIDV niêm yết hồi tháng 1/2014. Nổi lên là ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất nhóm cổ phần 2 năm trở lại đây, VPBank đang kỳ vọng sẽ vượt cả những ngân hàng đang dẫn đầu hệ thống và vươn lên ngang tầm với Vietcombank trong năm 2018 nhờ “bảo bối” là công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù VPBank chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3 nhưng lợi nhuận dự kiến cũng sẽ không kém so với quý 2. Báo cáo cập nhật mới nhất kết quả kinh doanh 7 tháng cho thấy ngân hàng đã đạt hơn 4.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tự tin sẽ đạt hơn 7.000 tỷ trong cả năm. Với hơn một nửa lợi nhuận đến từ Fe Credit, VPBank đang “đặt cược” nhiều hơn nữa vào công ty này khi bổ sung thêm gần 1.700 tỷ đồng vốn cho “con gà đẻ trứng vàng” hồi tháng 8 vừa rồi.
Không chỉ kết quả kinh doanh tốt, VPBank còn là ngân hàng được nhà đầu tư săn đón. Theo dõi thanh khoản của VPB trên sàn cho thấy cổ phiếu luôn nằm trong top đầu trên sàn, bình quân 10 phiên giao dịch gần đây đạt hơn 1,1 triệu cổ phiếu khớp lệnh/phiên.
Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn của ngân hàng cũng diễn ra thuận lợi. Chỉ 3 nhà đầu tư cá nhân đã hấp thụ hết gần 165 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ vừa qua với tổng trị giá khoảng 6.400 tỷ đồng. Trước đó nhóm 3 nhà đầu tư cá nhân này đã nắm giữ 17,2 triệu cổ phiếu, cùng với lượng cổ phiếu mua thêm họ đã nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 181,9 triệu, tương đương 11,58% vốn điều lệ sau đợt phát hành.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, VPBank là ngân hàng có nhiều cổ đông cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu nhất khi chỉ 9 nhà đầu tư đã nắm khoảng 38% cổ phần.
Cơ cấu cổ đông của VPBank với lượng nhà đầu tư cá nhân sở hữu tới 38%
Không chỉ hút nhà đầu tư nội, cổ phiếu VPB còn đang là tâm điểm chú ý của khối ngoại. Trước khi lên sàn, VPBank đã thu hút được lượng đặt mua lên đến 1,2 tỷ USD của các nhà đầu tư khi cổ phiếu này chào bán ở nước ngoài, và đã bán thành công cho gần 80 nhà đầu tư với giá 39.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có cả những quỹ đầu tư nổi tiếng.
Sau khi lên sàn, VPB tiếp tục được giới đầu tư nước ngoài săn đón. Báo cáo của quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý - ngày 17/08 cho thấy, VPBank đã lọt vào top 10 các khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ này với 3,3% tương đương 40,2 triệu USD (hơn 900 tỷ đồng).
Đến cuối tháng 9, một quỹ nổi tiếng khác là Vietnam Holding Limited đã bổ sung VPB vào danh mục đầu tư khi nhận chuyển nhượng khoảng 400.000 cổ phiếu từ 3 quỹ ngoại khác. Phatra Capital Public cũng có động thái tương tự khi chính thức sở hữu 500.000 cổ phiếu VPB. Tiếp đến trong tuần đầu tháng 10, quỹ ngoại Composie Capital Master Fund LP nhận chuyển nhượng hơn 24,1 triệu cổ phiếu VPB từ 10 quỹ ngoại khác với giá xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, còn Vietnam Holding bổ sung thêm 500.000 cổ phiếu nữa.
Ở thời điểm hiện tại, cổ đông ngoại đang sở hữu khoảng 26,37% vốn của VPBank, tăng mạnh so với mức 22% khi cổ phiếu này vừa niêm yết.
Theo Tùng Lâm/Trí thức trẻ