Ai đang bảo kê cho Phúc Thịnh House phân lô, bán nền trên đất

Mặc dù Văn phòng Chính phủ có gửi đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nhưng tại đây vẫn xảy ra nhiều tình trạng phân lô, bán nền trái phép.

Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản tại Phú Quốc trở nên sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư đến giao dịch. Trong phân khúc phân lô bán nền tại Phú Quốc, Phúc Thịnh House “bỗng chốc” trở thành một chủ đầu tư cỡ lớn với hơn chục dự án, nắm trong tay gần 1.000 lô, nền. Tuy nhiên, về pháp lý các dự án của đơn vị này có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Được biết, Công ty Cổ phần xây dựng địa ốc Phúc Thịnh House có tốc độ phát triển các dự án khu dân cư theo đạng phân lô, bán nền nhanh chóng mặt. Đến thời điểm năm 2022, theo thống kê của PV, Công ty Phúc Thịnh House quảng cáo là chủ đầu tư của hơn chục dự án, nắm trong tay gần 1.000 lô nền với nhiều dự án mang các tên gọi khác nhau.

Đặc điểm chung của các dự án mà Phúc Thịnh House đang rao bán là xung quanh dự án được cắm các tấm biển quảng cáo giới thiệu về dự án rất chuyên nghiệp. Trong dự án hình thành nhiều con đường bê tông. Đặc biệt, hầu hết các dự án được Phúc Thịnh House giới thiệu là có quy hoạch chi tiết 1/500. Các nhân viên môi giới đều quảng cáo là xây dựng tự do, không phải xin phép chính quyền địa phương.

Công ty tự lập quy hoạch tỉ lệ 1/500 cho khu dự án phân lô, bán nền.
Công ty tự lập quy hoạch tỉ lệ 1/500 cho khu dự án phân lô, bán nền.

Theo tìm hiểu của PV, mục đích sử dụng đất của các lô, nền này đều là đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp). Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô, nền đều không thể hiện có đường giao thông như thực tế, không có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở lâu năm. Đặc biệt, các đường giao thông trong dự án phân lô đều được làm trái phép, không có sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền địa phương.

Điển hình như dự án tại ấp suối đá, xã Dương Tơ, theo như quảng cáo của công ty, dự án có quy mô gần 200 nền, với tổng diện tích 17.469,6m2, mục đích sử dụng trên sổ là đất nông nghiệp nhưng nhân viên công ty khẳng định vẫn có thể xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ai đang bảo kê cho Phúc Thịnh House phân lô, bán nền trên đất - Ảnh 1

Theo thông tin mà phóng viên tìm hiểu, dự án nằm trên thửa đất số 91 tờ bản đồ số 3, ấp Suối Đá, xã Dương Tơ.

Liên quan đến nội dung trên, ông Huỳnh Văn Nhân – Chủ tịch UBND xã Dương Tơ cho biết: Đối với các thông tin của Công ty CPXD Phúc Thịnh House, chính quyền xã lập biên bản vi phạm chuyển hồ sơ đến UBND Thành phố Phú Quốc để ra quyết định xử lý theo quy định pháp luật.

Nhận thấy tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn ra phức tạp (chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp), nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa gửi đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo: Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc vào Kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 106/QĐ-TTCP ngày 28/3/2018 của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Trong đó, cần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp; việc giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách.

Quay trở lại với Công ty Cổ phần xây dựng địa ốc Phúc Thịnh House, không chỉ quảng cáo là chủ đầu tư trên địa bàn xã Dương Tơ, Phúc Thịnh House còn được biết đến với nhiều dự án đến địa bàn xã Cửa Dương, xã Cửa Cạn, TT Dương Đông.

Các quy định, chế tài xử lý hành vi phân lô, bán nền trái phép

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Điều 5, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định, các hình thức xử phạt hành chính bao gồm cảnh cáo, phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được, cho đến việc thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.

Điều 38 cũng quy định rõ, thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp xã và thanh tra viện phạt đến 5 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chánh Thanh tra Sở phạt đến 50 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phạt đến 500 triệu đồng.

Các hành vi được xác định là vi phạm hành chính như sử dụng đất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; hủy hoại đất (như san lấp mặt bằng); chuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện, theo quy định tại Khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai (có giấy chứng nhận ghi nhận thửa đất chuyển nhượng),… có thể xác định được trong các vụ vi phạm phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực quản lý xây dựng, Nghị định 139/2017/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 quy định, xử phạt các hành vi vi phạm như: Không gửi văn bản thông báo ngày khởi công cho UBND cấp xã (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng); không thông báo, thông báo chậm cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương về thời điểm khởi công xây dựng (đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng).

Trần Hoa

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục