ACS làm “vô lối”: Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp

Có thể khởi kiện ACS, yêu cầu tòa án tuyên các hợp đồng công ty đã ký với điều kiện khách hàng bị đưa dẫn quy định mang tính chất lừa đảo.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết trong cuộc trao đổi với PV Đất Việt liên quan đến trường hợp công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam mặc dù không có ngành nghề kinh doanh cấp tín dụng cụ thể là hoạt động cho vay, cho vay trả góp nhưng vẫn cho vay với mức lãi suất lên tới 50%/năm.

"ACS vi phạm pháp luật"


Theo Chứng nhận đầu tư số 411023000375 thay đổi lần thứ 5 (ngày 17/1/2014) của UBND TP Hồ Chí Minh công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh cấp tín dụng; cụ thể là hoạt động cho vay, cho vay trả góp. Tuy nhiên, ACS vẫn tiến hành hoạt động cho vay với lãi suất khoảng 50%, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ACS kinh doanh như vậy là phạm vi pháp luật và việc cho vay với mức 50% là mức lãi suất quá cao.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chính vì lý do đó, hoạt động cho vay của công ty ACS không được tự do thỏa thuận mức lãi suất với khách hàng mà phải chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng".

Như vậy tính toán cho thấy, với mức lãi suất cơ bản hiện tại là 9%, trần lãi suất là 150% tức là 13% là lãi suất cao nhất.

ACS làm “vô lối”: Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp - Ảnh 1
Bàn tư vấn của nhân viên ACS trong hệ thống siêu thị điện máy Media Mart

Theo đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khách hàng có thể có cơ sở để kiện ACS đã cho vay nặng lãi.

"Thứ 2 nếu khách hàng cảm thấy bị đưa dẫn vào lãi suất và quy định mang tính chất lừa đảo tức là bị đưa dẫn đến những thông tin sai lệch làm cho phán đoán của mình bị lệch do những thông tin sai, những vấn đề mang tích chất lừa đảo có thể là cơ sở để khách hàng kiện", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Làm "vô lối", Ngân hàng nhà nước phải can thiệp

Nhận định về trường hợp cụ thể là công ty ACS, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, việc ACS hoạt động không đúng chức năng, không đúng vị trí Ngân hàng nhà nước phải can thiệp, hướng dẫn xử lý để ACS trở lại đúng chức năng hoặc đăng ký lại ngành nghề kinh doanh.

"Ngân hàng nhà nước phải hướng dẫn, xử lý để ACS trở lại hoạt động theo đúng nguyên tắc, không làm việc vô lối và nguyên tắc phải áp dụng chung, không có sự chiếu cố bất kỳ ai", nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước nói.

TS Cao Sỹ Kiêm cũng cho biết, những quy định của ngân hàng trong lĩnh vực tài chính phải được thực hiện nghiêm nếu làm không đúng, làm sai dứt khoát phải bị trả giá.

"Doanh nghiệp và ngân hàng trong quá trình thực hiện quy định của ngân hàng nhà nước phải rất nghiêm túc, làm không đúng khả năng thu nợ rất khó và khả năng nợ quá, hạn nợ xấu tăng. Rủi ro không dừng lại ở mặt kinh tế, hành chính thậm chí đôi khi là mặt hình sự", TS Cao Sỹ Kiêm nói.

Cũng theo TS Cao Sỹ Kiêm phân tích, vấn đề vốn và chi phí cùng những ràng buộc về việc thành lập công ty tài chính là nguyên nhân để doanh nghiệp mặc dù hoạt động kinh doanh cho vay tài chính nhưng không thành lập công ty tài chính.

Theo đó TS Cao Sỹ Kiêm cho biết, ông ủng hộ việc ngân hàng phải có công ty tài chính thực hiện cho vay để đảm bảo nguyên tắc tín dụng.

 Ông Lê Thành Trung - Phó Tổng giám đốc HDBank: Phải được cấp phép và chịu sự quản lý của Nhà nước.
"Theo tôi, việc cho vay mượn theo quy định dân sự không cấm ví dụ như cá nhân này cho cá nhân khác vay hoặc tổ chức này cho tổ chức khác vay. Nhưng nếu như việc cho vay thành nghiệp vụ kinh doanh thì phải có điều kiện, được cấp phép và chịu sự quản lý".

AT (ghi)

Theo Đất Việt

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục