ACB trên con đường tìm lại vị thế ngân hàng thương mại số 1

(Kinhdoanhnet) – Trải qua nhiều biến động giai đoạn năm 2011-2013, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, thế nhưng bằng những nước đi đúng đắn ACB đã vực lại được chính mình và dần tìm lại “ánh hào quang” xưa.

Ánh hào quang xưa

Ngay từ khi thành lập, ACB đã xác định mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 thị trường tín dụng với khách hàng mục tiêu là các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chiến lược của ACB hoàn toàn đúng khi nhắm vào nhóm đối tượng này, thành công mà ACB thu lại được là vô cùng rực rỡ.

Từ 1 ngân hàng vỡ nhỏ, ACB dần lớn mạnh và trở thành ngân hàng nắm giữ vị thế số 1 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần về cả lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là ở lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ. Chỉ trong vòng nửa thập kỷ từ năm 2007 đến năm 2011, tổng tài sản ACB đã tăng hơn 3 lần từ con số 85 nghìn tỷ đồng năm 2007 lên hơn 280 nghìn tỷ đồng năm 2011, cùng với đó dư nợ tín dụng và huy động vốn của ACB cũng tăng hơn 3 lần. Lợi nhuận ACB nhiều năm liền đứng top đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, rực rỡ nhất là năm 2011 với hơn 4.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt xa những ngân hàng cùng quy mô lúc đó như Sacombank, MBBank hay Techcombank…

Khủng hoảng nghiêm trọng

Khi mà chẳng ai nghĩ ACB có thể “ngã” thì một thông tin khiến thị trường tài chính Việt Nam nói chung và Ngân hàng ACB nói riêng phải rúng động đó là việc Bầu Kiên – Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị bắt tạm giam để điều tra về các sai phạm trong hoạt động kinh tế, 3 ngày sau đến lượt Tổng Giám đốc ACB – Lý Xuân Hải cũng bị bắt giam. Chưa dừng lại ở đó, khoảng hơn 1 tháng sau, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB – Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố.

Thông tin Bầu Kiên bị bắt khiến cho toàn giới tài chính hoang mang và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình hoạt động của ACB. Sau khi Bầu Kiên bị bắt giam, chỉ trong vòng 3 ngày thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự bốc hơi 5,6 tỷ USD, cổ phiếu ACB tụt kịch sàn, cùng với đó là tâm lý hoang mang của người dân dẫn tới hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút khỏi ACB chỉ sau vài ngày. Thậm trí, lãnh đạo ACB còn phải chuẩn bị tới 30.000 tỷ đồng tiền mặt để phục vụ nhu cầu rút tiền của khách hàng, đảm bảo thanh khoản của ACB, Ngân hàng Nhà nước cũng phải đứng ra lên tiếng răng sẽ bảo đảm thanh khoản cho ACB cho tới thời điểm bấy giờ.

 

ACB trên con đường tìm lại vị thế ngân hàng thương mại số 1 - Ảnh 1

Ngân hàng ACB chuẩn bị tiền mặt để phục vụ nhu cầu người dân. Ảnh: Internet.

Một chiều hướng khác khi NHNN yêu cầu các Ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng của khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến cho tổng tài sản ACB sụt giảm chóng mặt và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoản thua lỗ 1.700 tỷ đồng của ACB chỉ trong Quý 4/2012.

Theo kết quả điều tra tại ACB về hoạt động cho vay năm 2011 ghi nhận 83/111 hồ sơ vay được xác định là có khuyết điểm, 14/83 doanh nghiệp được vay vốn lớn hơn nhu cầu thực thế.

Năm 2012, kết quả kinh doanh ACB tụt dốc với việc lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 1/4 năm 2011 và đạt 1.042 tỷ đồng; tổng tài sản ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn hơn 176 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 100 nghìn tỷ đồng chỉ sau 1 năm khủng hoảng. Tỷ lệ nợ xấu tại năm 2012 lên tới 2,5% tổng dư nợ, cùng với đó là hàng nghìn tỷ đồng cho vay không hiệu quả và nợ quá hạn phải gia hạn tại các tổ chức tín dụng khác mà ACB đem gửi tiền để lấy lãi suất chênh lệch.

Tính đến hết năm 2013, tổng tài sản ngân hàng tiếp tục giảm 5,5% xuống còn 166 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.035 tỷ đồng, chỉ tương đương 58% so với kế hoạch, nợ xấu tăng cao đột biến lên trên 3% tổng dư nợ.

Con đường trở lại

Sau giai đoạn khủng hoảng, gần như toàn bộ bộ máy quản trị của ACB đều có sự thay đổi, với sự dẫn dắt của HĐQT mới bao gồm Gia đình ông Trần Mộng Hùng – người sáng lập ACB và cổ đông chiến lược – Ngân hàng Standard Chartered.

Một bước đi đúng đắn của HĐQT mới đó là việc minh bạch tình hình thực tại ACB, đặc biệt là vấn đề nợ xấu. Số nợ xấu của ACB vào năm 2013 có thể khiến nhiều người lo lắng khi chiếm trên 3% tổng dư nợ nhưng việc minh bạch nợ xấu là cần thiết đối với ACB để trích lập dự phòng và xử lý khối lượng nợ xấu hiện hữu.

Với việc HĐQT mới tập trung xử lý vàng huy động theo yêu cầu của NHNN cùng với đó là giải quyết nợ xấu và các khoản cho vay đã quá hạn phải gia hạn tại các tổ chức tín dụng khác lý giải cho việc tổng tài sản ngân hàng tụt giảm nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.

Tính cho tới nay, đã gần 3 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra tại Ngân hàng ACB, tuy chưa thể tìm lại kết quả kinh doanh cũng như chỉ số ngân hàng rực rỡ như giai đoạn trước khủng hoảng nhưng phần nào đó ACB hiện tại đã ổn định hơn và đang dần tìm lại chỗ đứng của mình trên thị trường tín dụng Việt Nam.

 

ACB trên con đường tìm lại vị thế ngân hàng thương mại số 1 - Ảnh 2

ACB đang dần trở lại đúng quỹ đạo khi kết quả kinh doanh của ngân hàng luôn duy trì tăng trưởng ổn định. Ảnh: QT.

Kết thúc năm 2013 với nhiều khó khăn, bước sang năm 2014 đánh dấu năm đầu tiên các chỉ số ngân hàng tăng trở lại. Tổng tài sản ACB đạt gần 180 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013; dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng trưởng tốt. Kết quả, lợi nhuận trước thuế ACB đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 17%, nợ xấu ngân hàng dần được kiểm soát ổn định trở lại.

Năm 2015, tổng tài sản ngân hàng tiếp tục tăng trưởng đạt hơn 201 nghìn tỷ đồng, tăng 12%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 15%, huy động vốn tăng 13% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế ACB đạt 1.314 tỷ đồng, duy trì top 5 ngân hàng thương mại cổ phần có kết quả lợi nhuận cao nhất hệ thống.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2016, ACB tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng của hầu hết các chỉ số ngân hàng như tổng tài sản tăng trưởng 14%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 19% và huy động vốn tăng 15%, cùng với đó là kết quả kinh doanh tăng trưởng đạt 1.244 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu kiểm soát ở mức 1,12% tổng dư nợ.

Tỷ lệ an toàn vốn tổng và vốn cấp 1 tại ACB sau 9 tháng đầu năm lần lượt ở mức 12,8% và 8,3%, tỷ lệ LDR ở mức 77%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 31% so với năm trước, điều này cho thấy định hướng tập trung xử lý nợ xấu và quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng đang đi đúng hướng.

Trong năm 2016, ngoài kết quả kinh doanh khả quan ACB còn là ngân hàng TMCP duy nhất tại Việt Nam nhận được tới 7 giải thưởng uy tín của các tổ chức trong và ngoài nước.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục