ACB phát sinh hàng trăm tỷ đồng nợ xấu, vì sao?

Tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ là 1,11%, cao hơn thời điểm cuối năm 2016 là 0,87% nhưng thấp hơn mức 1,23% tại thời điểm cuối tháng 6/2016. Vì sao nợ xấu của ACB lại dâng cao như vậy?

ACB phát sinh hàng trăm tỷ đồng nợ xấu, vì sao? - Ảnh 1
ACB phát sinh hàng trăm tỷ đồng nợ xấu.

Thống kê 12 ngân hàng đã công bố Báo cáo tài chính bán niên (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MBB, Eximbank, VIB, VPBank, Techcombank, NCB, SHB và Sacombank) cho thấy, tổng nợ xấu ở mức hơn 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm.

Về giá trị tuyệt đối, tất cả 12 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu gia tăng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng trong 6 tháng đầu năm nên chỉ có 5/12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm như ACB, VIB, Techcombank, NCB...

Con số nợ xấu của ngân hàng ACB đến hết quý II/2017 là hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng tới 41,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%, trên tổng dư nợ tăng khá mạnh so với mức 0,87% hồi đầu năm nhưng thấp hơn mức 1,23% tại thời điểm cuối tháng 6/2016. Như vậy có 585 tỷ đồng nợ xấu mới phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2017 và phần lớn là nợ Nhóm 3 (73 tỷ đồng) và Nhóm 4 (564 tỷ đồng). Trong khi đó nợ Nhóm 5 giảm 52 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ACB chỉ xóa 27 tỷ đồng nợ xấu, thấp hơn 26,95% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm chưa kiểm toán cũng cho thấy lợi nhuận trước thuế tăng 52,36% so với cùng kỳ đạt 1.262 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng đã hoàn thành 54,88% kế hoạch cả năm, là 2.300 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng tăng 11,15% so với đầu năm đạt 181,61 nghìn tỷ đồng, so với mức tăng 16,06% trong 6 tháng đầu năm 2016. Cho vay ngắn hạn tăng 28,15% so với đầu năm đạt 97 nghìn tỷ đồng (chiếm 53,94% tổng dư nợ so với tỷ trọng 46,78% trong 6 tháng đầu năm 2016). Trong khi đó cho vay trung và dài hạn giảm 3,80% so với đầu năm là 83,64 nghìn tỷ đồng (chiếm 46,06% tổng dư nợ so với tỷ trọng 53,22% trong 6 tháng đầu năm 2016).

Tiền gửi khách hàng tăng 11,17% so với đầu năm, đạt 230,18 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 34,52 nghìn tỷ đồng, chiếm 15% tổng tiền gửi khách hàng.

Tổng chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm của ACB tăng 43,46% so với cùng kỳ là 3.222 tỷ đồng, chủ yếu do 649 tỷ đồng chi phí dự phòng đối với các khoản phải thu khác. Nếu không bao gồm khoản chi phí dự phòng này, chi phí hoạt động từ hoạt động kinh doanh chính trên thực tế chỉ tăng 14,57% so với cùng kỳ là 2.573 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí cho nhân viên tăng 14,6% so với cùng kỳ là 1.303 tỷ đồng do chi phí lương tăng và số lượng nhân viên bình quân cũng tăng 0,70% so với cùng kỳ. Chi phí liên quan đến tài sản tăng 5,1% so với cùng kỳ là 515 tỷ đồng. Chi phí bảo hiểm, bảo toàn tiền gửi của khách hàng tăng 24,2% so với cùng kỳ là 124,9 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng tăng 160,87% so với cùng kỳ, lên 966 tỷ đồng. Trong đó 855 tỷ đồng là chi phí dự phòng nợ xấu thông thường, tăng 261,32% so với cùng kỳ năm trước; 110,75 tỷ đồng là chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC, giảm 23,11% so với cùng kỳ năm trước.

ACB không công bố chi tiết về chi phí dự phòng trích lập riêng cho nhóm 6 công ty của bầu Kiên (G6). Trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, ACB còn 1.427 tỷ đồng cho vay nhóm G6 với chi phí dự phòng cụ thể lũy kế là 194 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu ACB đã tăng 46,6% so với đầu năm và room cho nhà đầu tư nước ngoài đã đầy kể từ 5 năm trước. Tuy nhiên, đang có tin đồn về việc thoái vốn của một số nhà đầu tư nước ngoài quan trọng tại ngân hàng này. Hiện chưa có gì được xác nhận nhưng theo CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) sẽ là hợp lý nếu cho rằng có một đến hai nhà đầu tư nước ngoài xem xét thoái vốn trong 6-12 tháng tới. Từ đó xuất hiện khả năng nhà đầu tư tài chính có thể sẽ thay thế các cổ đông này nếu được cổ đông kiểm soát và NHNN chấp thuận.

ACB có nợ xấu từ trước để lại theo giá trị sổ sách là 6.300 tỷ đồng, giá trị tài sản đảm bảo liên tục được định giá ở mức khoảng 4.400 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2017, Ngân hàng đã trích lập lũy kế khoảng 5.300 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này và chỉ còn 1.000 tỷ đồng chưa được trích lập. Theo đó, ACB có 4.400 tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo.

Theo Linh Nga/Diễn đàn doanh nghiệp

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục