90% hàng Việt bị TT Trump áp thuế 46%: Điểm những DN chịu tổn thương trước cú sốc lớn

Bình luận về tác động của việc Mỹ áp thuế 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định, đây sẽ là cú sốc lớn với thương mại Việt Nam. Với quyết định này, hàng hoá Việt Nam sẽ phải chịu nhiều mức cao hơn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Hàng hoá Việt Nam chịu mức thuế khắc nghiệt hơn dự báo

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%. Nhà Trắng liệt kê mức thuế các nước "đang áp cho Mỹ" nhưng không đưa ra giải thích cách tính toán các con số đó. Ví dụ, theo họ, Việt Nam, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang áp Mỹ mức thuế lần lượt 90%, 67%, 39%.

Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng ông Trump đã công bố.

Ông Trump công bố mức thuế đối ứng ngày 2/4 (theo giờ địa phương). (Ảnh: BBC).
Ông Trump công bố mức thuế đối ứng ngày 2/4 (theo giờ địa phương). (Ảnh: BBC).

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, do xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh. Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024.

Bình luận về tác động của việc áp thuế, trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định đây sẽ là cú sốc lớn với thương mại Việt Nam. Từ quyết định này, hàng hoá Việt Nam sẽ phải chịu nhiều mức cao hơn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹi.

Theo TS Vũ Đình Ánh, thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có cách duy nhất là đàm phán để Mỹ giảm mức áp thuế xuống.

“Theo công bố, Mỹ đang tính toán hàng Mỹ vào Việt Nam với mức 90% và họ đánh đối ứng với hàng hoá Việt Nam là 46%. Trước khi đàm phán để giảm thiểu thuế xuống thì Việt Nam phải làm rõ xem căn cứ mà Mỹ khẳng định hàng hoá Mỹ đang vào Việt Nam đang phải chịu mức thuế 90%?. Đó là những mặt hàng nào, chịu mức thuế ra sao… Trong các căn cứ đó, phải làm rõ, căn cứ nào hợp lý, căn cứ nào không hợp lý để thuận lợi hơn trong đàm phán giảm thuế”, ông Ánh nói.

Trong khi đó, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Anh cho rằng, mức thuế ban đầu mà Mỹ áp với Việt Nam tệ hơn so với dự báo của giới phân tích. Điều này sẽ khiến nhiều thị trường sẽ bị bất ngờ.

Bên cạnh đó, giới phân tích chính trị tin rằng sẽ có trả đũa từ các quốc gia bị áp thuế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã khuyên các nước khoan trả đũa thuế quan, chờ đàm phán. Theo lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nếu các nước không trả đũa, các mức thuế quan mà ông Trump công bố sẽ không tăng cao thêm nữa.

Ông Tuấn dự báo, các cuộc thương thảo với chính quyền Trump sẽ diễn ra ráo riết hơn nhưng khoảng cách quá xa để về mức một số nước muốn, cho nên có thể trả đũa sẽ diễn ra sớm hơn. Điểm đáng nói, là con số 90% thuế mà Việt Nam áp hàng nhập khẩu Mỹ mà ông Trump công bố và vấn đề "thao túng tiền tệ và rào cản thương mại" mà ông Trump nói khi công bố thuế của Việt Nam.

"Không loại trừ khả năng đây có thể là một chiêu 'trả giá', ông Trump thường đưa ra các 'chiêu bài' áp thuế quan cao để đàm phán và sau đó hạ xuống. Và nếu thị trường phản ứng quá tệ, Mỹ có thể sẽ dùng đến 'chiêu bài' danh sách hàng hóa ngoại lệ", ông Tuấn nói.

Những ngành hàng dễ bị tổn thưởng nhất

Báo cáo của VIS Rating cho biết, khi bị áp thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.

Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.

Đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ là những ngành dễ bị tổn thưởng nhất khi xuất khẩu sang Mỹ.
Đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ là những ngành dễ bị tổn thưởng nhất khi xuất khẩu sang Mỹ.

Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.

Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.

Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.

Thống kê theo từng lĩnh vực, các doanh nghiệp VIS Rating cho rằng sẽ chịu ảnh hưởng như sau:

Máy vi tính, sản phẩm điện tử: Intel, HP, Dell, Amkor, Samsung, Victory Giant, Saigon Fabrication

Máy móc, thiết bị, dụng cụ: Rockwell Automation, Techtronic, First Solar, Trina Solar, JA Solar

Hàng dệt, may: Crystal Group, Vinatex, May Sông Hồng, Dệt May Thành Công

Điện thoại các loại và linh kiện: Samsung, Foxconn, Luxshare, Goertek, SMP Holdings

Gỗ và sản phẩm gỗ: Phú Tài, Savimex, Kiến trúc AA, An Việt Phát, Eastwood, Tập đoàn Kim Tín

Giày dép các loại: PouYuen, Vina giày, Tập đoàn TBS, Biti's, Thượng Đình

Phương tiện vận tải: Thaco, Honda, Vinfast, Ford

Hàng thủy sản: Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, An Giang, Stapimex, Thực phẩm Sao Ta

Các mặt hàng khác: Long Sơn, Olam Vietnam, Intimex, Trung Nguyên, Tôn Đông Á, Nam Kim

Được biết, hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 85% GDP của Việt Nam năm 2024, do đó xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.

Sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam. Các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trong tương lai của Việt Nam và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt Nam.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, song song việc đàm phán, các chuyên gia cũng khẳng định, việc doanh nghiệp chủ động tìm các thị trường thay thế cũng là điều cần thiết.

“Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Với bối cảnh thế giới hiện tại, việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu được xem giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó với cú sốc mang tên “thuế quan”, một chuyên gia khẳng định.

Kỳ Thư

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục