Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, 6 hãng bay của nước ta đã khai thác tổng cộng 234.370 chuyến bay trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng 85,6% so với cả năm 2021. Kết quả này cho thấy đà phục hồi nhanh chóng của thị trường hàng không trong thời gian mở cửa sau dịch.
Riêng Vietjet Air khai thác gần 86.500 chuyến bay, chiếm 37% toàn ngành và tăng 147% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng của Vietjet cao hơn đáng kể so với hai hãng hàng không lớn khác là Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Xét về tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP), Vietjet đạt 86%, cao hơn con số 85% của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines, Vietjet lợi nhuận trái chiều
Thực tế, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020 và 2021 đã đẩy các hãng hàng không Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Sang đến năm 2022, khi dịch bệnh đã đi qua, du lịch quốc tế hồi phục thì các hãng hàng không Việt lại đối mặt với nỗi lo về lạm phát, ảnh hưởng từ tỷ giá và tăng giá nguyên liệu… Kết quả, bức tranh kinh doanh của các hãng hàng không cũng không mấy khả quan.
Hãng hàng không đầu tiên là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Tại BCTC hợp nhất của CTCP Tập đoàn FLC, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Bamboo Airways ghi nhận lỗ 3.500 tỷ đồng, con số này cao hơn khoản lỗ gần 2.300 tỷ đòng của cả năm 2021 khi dịch Covid -19 bắt đầu bùng phát.
Bên cạnh đó, CTCP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) 9 tháng năm 2022 cũng ghi nhận lỗ 368,4 tỷ đồng. Vietravel Airlines hiện là công ty liên kết do CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - UPCOM: VTR) nắm 43,92%.
Có vẻ khấm khá hơn là trường hợp tại CTCP Hàng không VietJet (HoSE: VJC) dù doanh thu quý 3/2022 tăng trưởng 652% so với cùng kỳ đạt 11.600 tỷ đồng, nhưng lại ghi nhận lợi nhuận giảm hơn 40% về 42,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hãng hàng không Vietjet ghi nhận 27.535 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 170%. Lợi nhuận sau thuế đạt 187,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%.
VJC cho biết nguyên nhân chính đến từ chi phí nhiên liệu bay tăng cao bình quân 130 USD/1 thùng, có thời điểm tăng đến 160 USD/thùng so với mức trung bình 80 USD/1 thùng năm 2019. Mặt khác, VJC tập trung đẩy mạnh hoạt động marketing và khuyến mãi, đặc biệt với các đường bay quốc tế để thu hút hành khách trong các dịp cao điểm gồm Giáng sinh, Tết Nguyên Đán và chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng năm 2023.
Đáng chú ý, hãng hàng không Vietnam Airlines lần đầu có lãi gộp kể từ khi COVID khởi phát.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) ghi nhận doanh thu thuần 21.156 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần cùng kỳ 2021. Lãi gộp 165 tỷ đồng và quý 3/2022 cũng là quý đầu tiên kể từ đầu năm 2020 hãng hàng không này ghi nhận lãi gộp. Kết quả này đạt được là nhờ việc các biện pháp chống dịch COVID-19 tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã được gỡ bỏ, không còn tình cảnh phong tỏa gắt gao như quý 3 năm ngoái.
Tuy nhiên, trừ đi các chi phí, quý 3/2022 Vietnam Airlines vẫn lỗ 2.546 tỷ đồng, dù lỗ giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, hãng hàng không này lỗ gần 7.784 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lỗ hơn 12.153 tỷ đồng.
Theo lý giải của đại diện công ty, với công ty mẹ, dù tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3 tăng mạnh 293% so với quý 3/2021 (tăng hơn 11.067 tỷ đồng), tuy nhiên tổng chi phí cũng tăng 160%, tương đương tăng 10.504 tỷ đồng so với cùng kỳ, bởi sự tăng vọt của chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khi hoạt động hàng không hồi phục trở lại.
Đáng nói, loạt chi phí bất ngờ đè nặng lên cánh bay “anh cả” ngành hàng không như chi phí nhiên liệu tăng gấp 1,8 lần và chi phí tài chính tăng mạnh, chủ yếu do chi phí lãi tiền vay và chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá gần 1.100 tỷ đồng.
Các hãng hàng không Việt Nam triển vọng từ thị trường quốc tế
Trong báo cáo phân tích công bố hồi cuối tháng 10, Chứng khoán VNDirect dự báo thị trường hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách, từ đó thúc đẩy nhu cầu du lịch quốc tế. Theo thống kê của WiChart, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không trong quý III năm nay là hơn 1,27 triệu người, cao gấp 48 lần cùng kỳ 2021 khi cả nước đang phong tỏa.
VNDirect cho biết hầu hết sản lượng khách bay quốc tế trong 9 tháng qua là người nước ngoài đến Việt Nam, còn số người Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn thấp do một vài quốc gia chưa hoàn toàn mở cửa và người dân nước ta có xu hướng du lịch nội địa.
Cụ thể, tổng lượt tìm kiếm cho du lịch Việt Nam trong 9 tháng đầu 2022 cao gấp 4,9 lần cùng kỳ năm ngoái. Số du khách nước ngoài đến Việt Nam chiếm 75% tổng lượng khách bay quốc tế. Nhu cầu du lịch từ nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh kể vào quý III do Việt Nam đã ngừng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với du khách quốc tế và mở lại hoàn toàn đường bay quốc tế từ tháng 5/2022.
Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ quý II/2023. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trước dịch vào quý II/2023 và 100% trong quý IV cùng năm, giúp tổng sản lượng khách quốc tế năm 2023 tăng 195% so với 2022.
Ngoài ra, sản lượng khách nội địa được dự báo tăng 231% so với 2022 (tương đương tăng 30,9% so với mức trước dịch năm 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết