8/9 doanh nghiệp thuê đất kinh doanh ở Bãi Sau Vũng Tàu đang nợ thuế hơn 441 tỷ đồng

UBND TP Vũng Tàu cho biết, hiện có 8/9 doanh nghiệp thuê đất kinh doanh ở Bãi Sau đang nợ thuế hơn 441 tỷ đồng. Có 1 doanh nghiệp không chấp nhận trả lại mặt bằng là Công ty TNHH Du lịch DIC.

Tại cuộc họp báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trục đường Thùy Vân (Bãi Sau, TP Vũng Tàu) vừa diễn ra, ông Hoàng Vũ Thảnh - Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết về công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng “đất vàng” ven biển Bãi Sau cho 9 doanh nghiệp thuê, đến thời điểm hiện nay, có 5/9 doanh nghiệp đồng ý giao mặt bằng với diện tích hơn 10,7ha (chiếm khoảng 60,1%), gồm: Khách sạn Vitory, Công ty Cổ phần Du lịch khách sạn Tháng 10; công ty TNHH Janhold- OSC, Công ty Cổ phần Du lịch Nghinh và Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh.

Ngoài ra, 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hải Dương, Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu và Công ty Cổ phần Lạc Việt cũng đã ký biên bản bàn giao mặt bằng, cam kết trả hết nợ cũ và nộp đầy đủ thuế mới theo yêu cầu của tỉnh tại văn bản số 10135/UBND-VP năm 2022. Đồng thời, các doanh nghiệp này đề nghị tiếp tục được kinh doanh đến khi tỉnh lựa chọn được nhà đầu tư mới sẽ giao trả mặt bằng.

8/9 doanh nghiệp thuê đất kinh doanh ở Bãi Sau đang nợ tiền thuế hơn 441 tỷ đồng.
8/9 doanh nghiệp thuê đất kinh doanh ở Bãi Sau đang nợ tiền thuế hơn 441 tỷ đồng.

Riêng Công ty TNHH Du lịch DIC trực thuộc DIC Group chưa đồng ý giao mặt bằng. Công ty có văn bản chỉ đồng ý thuê và nộp tiền đối với phần diện tích đất hơn 4.400 m2 trong tổng số hơn 2,6ha đất đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Phần còn lại công ty đề nghị được quản lý, trông nom phục vụ hoạt động cộng đồng theo diện không phải nộp tiền thuê đất.

Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Công ty TNHH Du lịch DIC không thực hiện cam kết đầy đủ để được tiếp tục kinh doanh theo chỉ đạo của tỉnh. Do đó, TP Vũng Tàu kiến nghị tỉnh chấp thuận áp dụng biện pháp hành chính yêu cầu công ty ngừng kinh doanh, bàn giao toàn bộ diện tích đất thu hồi cho thành phố.

Qua nhiều lần làm việc, công ty nêu đã có đơn khiếu nại quyết định thu hồi đất của tỉnh ra Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa xuất trình văn bản thể hiện việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại. Do đó, TP Vũng Tàu đề nghị nếu công ty không chấp hành bàn giao thì chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất...

Ngoài ra, khi tỉnh có quyết định thu hồi đất, các doanh nghiệp có khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ. Việc này, thành phố đã lập phương án bồi thường vật kiến trúc theo giá mới cho các doanh nghiệp và có tờ trình lại tỉnh ngày 10/8. Việc bồi thường theo giá mới và dự kiến trừ vào tiền nợ thuế của từng doanh nghiệp. Hiện riêng 8/9 doanh nghiệp thuê đất còn nợ số tiền thuế là hơn 441 tỷ đồng.

Về phương án quy hoạch, chỉnh trang Bãi Sau, TP Vũng Tàu cũng đưa ra các phương án phân khúc đầu tư, đảm bảo mỹ quan, quy định pháp luật. Trong đó có giữ lại một số cơ sở đã thu hồi và bồi thường cho các doanh nghiệp.

Đồng thời dự kiến nâng cấp trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch thành Ban Quản lý để tăng cường nhân sự và chức năng để quản lý và thực hiện đấu thầu cho các đơn vị thứ cấp khai thác, quản lý, vận hành Bãi Sau...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh đề nghị UBND TP Vũng Tàu phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương chỉnh sửa lại phương án đề xuất về quy hoạch, thiết kế, quản lý Bãi Sau để trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét trước khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong đó, phải đầu tư ở Bãi Sau những công trình công cộng tạo điểm nhấn, đẳng cấp, đẹp và thu hút du khách; chú ý nghiên cứu xây dựng bờ kè chắn sóng phải đảm bảo; xây dựng tầng hầm phải có đánh giá địa chất.

An Tú

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục