7 ngân hàng "tranh nhau" một kho cà phê: Các ngân hàng nên tổ chức hội nghị chủ nợ

(Kinhdoanhnet ) – Nếu các ngân hàng cứ tranh giành, giằng co nhau quyền phát mãi tài sản kho cà phê của Trường Ngân thì chính những “ông lớn” này đang đánh mất dần thương hiệu, uy tín của ngân hàng mình trong mắt công chúng. Thay vì tranh chấp 7 ngân hàng nên ngồi lại với nhau để thành lập hội nghị chủ nợ sau đó ra quyết nghị chủ nợ, để thanh lý tài sản.

Việc 7 Ngân hàng thương mại cùng tranh giành nhau một kho cà phê của công ty Trường Ngân (Bình Dương) lại một lần nữa căng thẳng khi ngân hàng Agribank Chi nhánh Lý Thường Kiệt (TP. Hồ Chí Minh) cho xe tải đến kho hàng của công ty này để thu hồi tài sản đã thế chấp vay hàng chục tỷ đồng các năm trước.

Mặc dù việc thu hồi nợ đã được Tòa án Nhân dân Quận 4 thông qua, tuy nhiên đại diện của các ngân hàng còn lại không đồng ý và gây cản trở không cho Agribank phát mãi tài sản.

Náo loạn tại kho cà phê Trường Ngân (Bình Dương).
Náo loạn tại kho cà phê Trường Ngân (Bình Dương).

 

Trước đó OCB cũng gặp rắc rối tương tự khi tiến hành phát mãi tài sản thu hồ nợ của Trường Ngân.

Qua vụ việc này có thể thấy rằng sự lỏng lẻo, sơ suất về nghiệp vụ trong hoạt động cho vay và quản lý nguồn vốn của các ngân hàng thương mại đặc biệt là hoạt động thẩm định tài sản tạo điều kiện cho các doanh nghiệp như Trường Ngân có thể gian dối trong hồ sơ vay vốn dùng cùng một lượng hàng thế chấp nhiều ngân hàng khác nhau.

Theo các ngân hàng cho Cty Trường Ngân vay, thì sau khi Thi hành án Dĩ An, Bình Dương tổ chức cưỡng chế kho hàng theo Quyết định hòa giải của TAND quận 4, TPHCM, thực tại lô hàng này chỉ còn khoảng 600 tấn cà phê, còn lại là hàng trăm tấn… rác, vỏ cà phê, sỏi đá.

Như vậy nếu như toàn bộ kho cà phê này được phát mãi thì số tiền mà các ngân hàng thu hồi được cũng không đáng kể so với khoản nợ 600 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đã vay.

Sự việc này đã kéo dài gần 2 năm nhưng vẫn chưa có cách giải quyết cho phù hợp, các ngân hàng thì tranh giành, giằng co nhau quyền phát mãi tài sản của Trường Ngân. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chính những “ông lớn” ngân hàng này đang đánh mất dần thương hiệu, uy tín của ngân hàng mình trong mắt công chúng.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thay vị tranh chấp, giằng co 7 ngân hàng nên ngồi lại với nhau để thành lập hội nghị chủ nợ sau đó ra quyết nghị chủ nợ, để thanh lý tài sản chứ không nên để từng ngân hàng khởi kiện rồi lại tiếp tục tranh chấp kéo dài như hiện nay.

Sự việc xảy ra như hiện nay một phần lớn cũng là do lỗi của các ngân hàng lỏng lẻo trong hoạt thẩm định tài sản, nếu trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản thế chấp mà cán bộ ngân hàng trực tiếp thực hiện tắc trách, hoặc cố tình “phớt lờ” sai phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Sự việc này cũng là một hồi chuông cảnh báo cho các ngân hàng khác đúc rút kinh nghiệm phải chặt chẽ hơn trong khâu quản lý, thẩm định tài sản, hồ sơ vay vốn tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục