Nửa đầu năm 2016 đã trôi qua, đây cũng là thời điểm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao và cho dù gặp khó trong khâu giải quyết nợ xấu thế nhưng các ngân hàng vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động tiền gửi của khách hàng trong 6 tháng đầu năm.
Vậy sau 6 tháng đầu năm 2016, khối lượng tiền gửi của các ngân hàng TMCP biến động ra sao?.
Khi nhắc tới các khoản huy động vốn của ngân hàng, đầu tiên phải kể tới Big 3 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng TMCP ở Việt Nam, đó là BIDV, Vietinbank và Vietcombank. Theo như báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 đã công bố, khoản huy động vốn của BIDV tính tới hết ngày 30/6/2016 ghi nhận con số 692.339 tỷ đồng, tăng 22,6% so với đầu năm (đầu năm 2016 con số này là 564.583 tỷ đồng). Cùng khoản huy động vốn này của ngân hàng Vietinbank cũng ghi nhận sự tăng trưởng tương đối ấn tượng khi đạt 576.365 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm 2016. Đối với Vietcombank 6 tháng đầu năm 2016 khoản huy động tiền gửi của khách hàng là 535.648 tỷ đồng, chỉ tăng 6,9% so với đầu năm 2016 là 501.163 tỷ đồng. Có thể thấy trong nhóm Big 3, Vietcombank đang tỏ ra yếu thế hơn so với hai ngân hàng còn lại, khi mà khoản tiền gửi khách hàng của Vietcombank tăng rất thấp so với đà tăng của BIDV và Vietinbank.
Nhóm ngân hàng dưới bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với số lượng tiền gửi của khách hàng tính tới hết quý 2 là 287.325 tỷ đồng, như vậy so với con số đầu năm lượng tiền khách hàng gửi vào SCB đã tăng 12%. Ngân hàng Sacombank mặc dù đang phải đương đầu với những khoản nợ xấu nghìn tỷ từ phía Southern Bank chuyển sang sau khi 2 ngân hàng này sáp nhập vào năm 2015, thế nhưng Sacombank vẫn giữ được niềm tin của khách hàng khi ghi nhận khoản tiền gửi của khách hàng sau 6 tháng đầu năm đạt 278.017 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Có lẽ sẽ cần thêm thời gian để hoạt động kinh doanh của Sacombank đi vào ổn định hậu sáp nhập, thế nhưng chỉ cần khách hàng vẫn còn tin tưởng Sacombank thì vấn đề ổn định chỉ là sớm hay muộn.
Chỉ số huy động vốn của một số ngân hàng TMCP tính tới hết tháng 6/2016 so với đầu năm (đv. 1.000 tỷ đồng).
Cũng có được sự tăng trưởng tương đối tốt trong 6 tháng đầu năm đó là Ngân hàng ACB, sau những vụ lùm xùm liên quan tới các lãnh đạo cấp cao xảy ra vào năm 2012, ACB gặp đôi chút khó khăn nhưng tới thời điểm hiện tại ACB đã hoàn toàn ổn định, khối lượng tiền gửi khách hàng của ACB trong 6 tháng đầu năm đạt 190.796 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Cùng với ACB thì Ngân hàng Quân đội MBBank cũng đón nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tương đối khả quan, với việc tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu, trong 6 tháng đầu năm 2016, MBBank cũng ghi nhận lãi ròng sau thuế lên tới 1459,3 tỷ đồng. Cùng với đó lượng tiền gửi khách hàng cũng tăng tương đối, ghi nhận hết quý 2 đạt 190.414 tỷ đồng, tăng 4,8% so với con số này ở đầu năm.
Các ngân hàng như SHB, VPBank hay Eximbank đều ghi nhận con số huy động vốn trong 6 tháng đầu năm trên 100.000 tỷ đồng. Khoản tiền gửi khách hàng của SHB sau 6 tháng đầu năm là 159.268 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm; Eximbank đạt con số 100.728 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng hơn 2% so với đầu năm. Riêng với Vpbank, dường như ngân hàng này đang có dấu hiệu giảm huy động vốn từ tiền gửi khách hàng khi trong báo cáo quý 2/2016, khoản tiền gửi của khách hàng vào VPBank chỉ ghi nhận 117.014 tỷ đồng, như vậy là giảm hơn 9% so với con số đầu năm. Dường như VPBank đang có dấu hiệu “hãm” cả ở cho vay khách hàng và huy động tiền gửi.
Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2016, các ngân hàng đều hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ huy động tiền gửi từ khách hàng, nhưng một số vẫn chưa đạt được như chỉ tiêu đặt ra đầu nằm. Qua các năm trước cho thấy, 6 tháng cuối năm mới chính là thời điểm các ngân hàng bứt tốc để hoàn thành các kế hoạch kinh tế đặt ra, như vậy phía trước sẽ còn 6 tháng để các ngân hàng hiện thực hoá chỉ tiêu của mình. Trước đó cuối tháng 6, và đầu tháng 7, hàng loạt các ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi lên khá nhiều, đây được xem như động thái cho thấy các ngân hàng TMCP đang cố gắng gia tăng khoản huy động tiền từ phía khách hàng nhiều hơn vào 6 tháng cuối năm 2016.
Quang Thắng