6 tháng đầu năm ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất?

(Kinhdoanhnet) – Qua 6 tháng đầu năm 2016, nhiều ngân hàng đều đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng cao, dẫn tới các khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng theo ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh các ngân hàng. Vậy trong 6 tháng đầu năm ngân hàng nào sở hữu tỷ lệ nợ xấu cao nhất.

Tính tới thời điểm hiện tại đa số các ngân hàng TMCP đều đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2016, qua 6 tháng đầu năm có thể thấy tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại đang có chiều hướng gia tăng, với những cái tên có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt so với cuối năm 2015. Và càng đáng lo ngại khi đa số nợ xấu các ngân hàng tập trung ở khoản nợ có khả năng mất vốn.

Tính đến hết quý 1/2016, tỷ lệ nợ xấu theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 2,62%, cao hơn cuối năm 2015 ở mức 2,55%. Nhiều người cho rằng đây có thể là hệ quả của việc gia tăng tín dụng trước đó của hầu hết các ngân hàng TMCP.

Tính tới 30/6/2016, trong 3 ông lớn của hệ thống ngân hàng TMCP đó là BIDV, VietinBank và Vietcombank, theo đó quy mô dư nợ cho vay của 3 ngân hàng lần lượt là 614.995 tỷ; 586.830 tỷ; 417.630 tỷ đồng. Cùng với đó cũng ghi nhận tổng nợ xấu của 3 ngân hàng lần lượt BIDV là 13.184 tỷ đồng trong đó có hơn 6.343 tỷ là nợ có khả năng mất vốn; VietinBank là 5.366 tỷ đồng, trong đó có hơn 3.050 tỷ nợ có khả năng mất vốn; Vietcombank là 7.470 tỷ trong đó có hơn 4.676 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Có thể thấy quy mô dư nợ trong 6 tháng của BIDV cao hơn VietinBank và Vietcombank lần lượt là 11% và 54% thế nhưng tổng nợ xấu BIDV lại gấp tới 2,5 lần so với VietinBank và gấp đôi so với Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV trong 6 tháng đầu năm cũng đạt tới 2%, trong khi tỷ lệ nợ xấu tại VietinBank là 0,91% và Vietcombank là 1,75%.

Trong nhóm các ngân hàng còn lại, cái tên sở hữu tỷ lệ nợ xấu cao nhất cho tới hết quý 2/2016 chính là Eximbank, trong khi vẫn còn đang gặp khó trong vấn đề nhân sự lãnh đạo thì các chỉ số của Eximbank đều kém khả quan. Tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tính cho tới hết quý 2 đạt 79.763 tỷ đồng, con số này tại thời điểm đầu năm là 83.890 tỷ đồng. Mặc dù dư nợ cho vay giảm 4,6% trong 6 tháng thế nhưng điều đặc biệt là quy mô nợ xấu của ngân hàng lại tăng đột biến, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại Eximbank tăng từ 1,9% cuối năm 2015, lên tới 5,3% ở cuối quý 2/2016. Tổng nợ xấu Eximbank tính tới cuối quý 2 là 4.285 tỷ, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ lên 2.415 tỷ, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 802 tỷ lên 1.073 tỷ đồng.

Sau Eximbank cái tên có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt chính là VPBank. Tính tới hết quý 2/2016, nợ xấu của VPBank tăng lên 2,96%, trước đó vào đầu năm con số này chỉ là 2,69%. Trong khi VPBank đang có dấu hiệu hãm cho vay khi dư nợ cho vay trong 6 tháng của VPBank chỉ tăng hơn 1% thì quy mô nợ xấu lại tăng tới 11,3%. Cụ thể tổng nợ xấu cho tới hết quý 2 của VPBank vào khoảng 3.501 tỷ đồng, con số này chỉ là 3.145 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là hệ quả của việc VPBank tăng trưởng nóng trong một thời gian khá dài, hiện tại ngân hàng này đang phải chậm lại để đối mặt và xử lý với những khó khăn gặp phải, đặc biệt là vấn đề nợ xấu.

Cùng với VPBank ngân hàng sở hữu tỷ lệ nợ xấu cao đột biến chính là Sacombank, tính tới thời điểm 30/6/2016 tỷ lệ nợ xấu của Sacombank là 2,86%, tổng nợ xấu ghi nhận tại thời điểm đó là 5.651 tỷ đồng, tăng 63,8% so với con số 3.449 tỷ đồng vào đầu năm. Trong khi dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm Sacombank chỉ tăng trưởng 7,1% so với đầu năm hiện tại ước đạt 199,1 tỷ đồng.

Ngoài VPBank và SacomBank còn có SHB có tỷ lệ nợ xấu cao trên 2%. Cụ thể tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay SHB trong 6 tháng đầu năm là 2,22%, tổng nợ xấu ngân hàng ghi nhận 3.130 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm, dư nợ cho vay đạt 139.397 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm. Cùng với đó tỷ lệ nợ xấu trong 6 tháng đầu năm của Techcombank là 1,87%, tổng nợ xấu ước đạt 2.385 tỷ đồng tăng 28% so với đầu năm, tổng dư nợ cho vay đạt 127.491 tỷ đồng. Ngân hàng ACB trong 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận 1.930 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9% so với chỉ số này đầu năm, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2 là 1,25%. Ngân hàng MBB có tỷ lệ nợ xấu tính tới hết quý 2/2016 là 1,33%, tổng nợ xấu ghi nhận 1.885 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 141.530 tỷ đồng.

Mặc dù chu kỳ tín dụng của các ngân hàng đều tập trung vào cuối năm và tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng TMCP thường giảm về giai đoạn cuối năm nhưng với những con số cụ thể về tổng nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2016, có thể thấy đa số các ngân hàng đều có lượng nợ xấu gia tăng, và những khoản nợ xấu này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả kinh doanh cũng như phát triển của hệ thống ngân hàng TMCP tại Việt Nam.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục