5 nguyên nhân khiến tham nhũng, tội phạm ngân hàng ngày càng tinh vi

Ngày 19/11 vừa qua, Đại biểu Trần Văn Tấn đã gửi chất vấn liên quan đến sai phạm trong ngành ngân hàng đến Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 4/12, Ngân hàng Nhà nước công bố văn bản về ý kiến trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn (tỉnh Tiền Giang).

Văn bản trả lời cũng nhìn nhận, tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua có những diễn biến với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 5 nhóm nguyên nhân chính.

Thứ nhất, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ với một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho tổ chức tín dụng.

Thứ hai, do thời kỳ trước năm 2011, các tổ chức tín dụng chạy theo mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư lớn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, đầu tư tài chính, vi phạm các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng và các quy định an toàn hoạt động ngân hàng.

Thứ ba, hoạt động ngân hàng phát triển nhanh, đa dạng và phức tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hiện đại hóa công nghệ, tình hình tham nhũng và tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi đó việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý còn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Công tác thanh tra, giám sát còn nhiều bất cập, hạn chế.

Thứ tư, một bộ phận cán bộ ngân hàng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ có nơi có lúc còn làm chưa tốt dẫn đến sai phạm.

Tại một số đơn vị ngân hàng, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự quan tâm và triển khai quyết liệt những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm một cách có hiệu quả.

Thứ năm, hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số tổ chức tín dụng còn yếu, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Một số tổ chức tín dụng hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan. Các khoản cho vay, đầu tư đối với cổ đông lớn và người có liên quan thường rất lớn (vượt giới hạn an toàn) và rủi ro cao cho tổ chức tín dụng.

Những sai phạm xảy ra ở một số tổ chức tín dụng còn do hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, lãnh đạo của tổ chức tín dụng buông lỏng quản lý, các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ ngân hàng có nhiều bất cập, sơ hở, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền...

Ngoài ra, phương tiện chống lại tội phạm tấn công từ ngoài vào của các ngân hàng còn hạn chế do hệ thống công nghệ, năng lực quản trị rủi ro và trình độ cán bộ của một số tổ chức tín dụng hiện nay còn nhiều bất cập, trong khi đó các loại tội phạm mới, nhất là tội phạm công nghệ cao chưa được cảnh báo kịp thời.

"Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước", văn bản trên dẫn ý kiến trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Đối với những cá nhân có sai phạm trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã xử lý và yêu cầu các tổ chức tín dụng có biện pháp xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Những vụ việc có dấu hiệu hình sự thì được kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã triển nhiều giải pháp để kiên quyết đấu tranh phòng, chống.

Cùng đó, sự vào cuộc của Bộ Công an và các cơ quan chức năng, nhiều vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng được phát hiện và xử lý, điển hình như các vụ việc xảy ra tại Công ty Tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương...

Theo Ngân hàng Nhà nước, những vụ việc đó "đã thực sự có tác dụng trong việc răn đe, từng bước làm trong sạch hệ thống ngân hàng và lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trong ba năm qua".

Theo VnEconomy

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục