5 năm sau phiên tòa, Trung Quốc vẫn có những hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và lên án sự sai trái của Bắc Kinh.
LTS: Hôm nay (12/7/2021) là kỷ niệm tròn 5 năm ngày Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết lịch sử về Biển Đông. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả ý kiến của các chuyên gia Việt Nam về ý nghĩa của phán quyết này cũng như giá trị thực tế của nó trong 5 năm qua.
---
Năm 2012, Philippines và Trung Quốc xảy ra tranh chấp liên quan đến bãi cạn Scarborough, nguyên nhân dẫn đến việc Manila quyết định đưa Bắc Kinh ra Tòa trọng tài được thành lập theo Công ước Luật Biển 1982. Sử dụng sự vượt trội về tiềm năng quân sự, Trung Quốc đã đẩy các tàu Philippines ra khỏi vùng biển quanh bãi cạn Scarborough và kiểm soát khu vực, nơi Philippines đã tuyên bố chủ quyền từ năm 1946 và cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân nước này.
Trung Quốc ỷ thế mạnh, Philippines không còn lựa chọn
Cuộc đối đầu kéo dài 10 tuần giữa Trung Quốc và Philippines
Ngày 8/4/2012, máy bay tuần tra của hải quân Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough, có hành vi chở bất hợp pháp sò tai tượng, san hô và cá mập, những sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, vi phạm luật của Philippines.
Manila cử tàu khu trục nhỏ BRP Gregorio del Pilar tiếp cận và bắt các ngư dân Trung Quốc. Viện cớ này, Trung Quốc tuyên bố rằng Philippines đã sử dụng một tàu quân sự cho các hoạt động thực thi pháp luật.
Yêu cầu Philippines lập tức rút lui, Trung Quốc dàn đội hình tàu lấn át số lượng tàu của Philippines đang tới để giải cứu chiến hạm BRP Gregorio del Pilar. Sau đó, tàu hải giám Trung Quốc, được cho là đã phối hợp với các ngư dân, thực hiện động thái gây bất ngờ là dựng một hàng rào dây thừng quanh bãi cạn Scarborough, khiến các ngư dân Philippines bị nhốt bên trong. Ở phía xa, các tàu của hải quân Trung Quốc vẫn hiện diện, gửi thông điệp tới Manila: Đừng gây rắc rối.
Căng thẳng ngày càng gia tăng, khi Trung Quốc cũng sử dụng các đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Philippines. Các kênh ngoại giao truyền thống không thực sự đem lại hiệu quả. Chính phủ Philippines và Trung Quốc tìm tới Mỹ như một "trọng tài".
Sau nhiều tuần nhóm họp, thảo luận và đàm phán, với vai trò trung gian, các quan chức Mỹ giữa tháng 6/2012 đã giúp xây dựng một thỏa thuận mà theo đó hai bên sẽ cùng rút lui khỏi khu vực tranh chấp.
Ngày 15/6/2012, 10 tuần đối đầu, kiệt sức, bị lấn át về số lượng và thiếu các giải pháp thay thế khả thi, Manila rút các tàu còn lại của mình với lý do tránh bão. Song Trung Quốc lại không tuân thủ hạn chót mà thỏa thuận đề ra, vẫn duy trì các tàu hải giám tại khu vực và dần dần giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.
Nhắc lại thời điểm xung quanh sự kiện đó, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, đó không phải là hành vi đơn lẻ của Trung Quốc. Thời điểm cuối tháng 5 - đầu tháng 6/2011, Trung Quốc 2 lần xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, cắt cáp 2 tàu thăm dò của Việt Nam là Bình Minh và Viking. Chúng ta đã ngay lập tức phản đối và ngay tại hội nghị SOM ASEAN và SOM ARF khi đó đang họp tại Indonesia, Việt Nam cũng tiếp tục lên tiếng phản đối hành động này.
Kể từ năm 2011, từ sự kiện của tàu Viking và Bình Minh đến giờ, Trung Quốc tiếp tục có một loạt hành vi sai trái Quốc như câu chuyện hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam năm 2014, hay cản trở một loạt hoạt động kinh tế đầu năm 2020 với cả Việt Nam, Phillippines và Malaysia ở vùng thềm lục địa của các nước. Trung Quốc dùng yêu sách Đường lưỡi bò phi lý và cái gọi là quyền lịch sử để biến tất cả vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven biển thành vùng tranh chấp; và dựa vào đó để tiến hành những hành vi cắt cáp, ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp trong vùng EEZ và thềm lục địa của các quốc gia ven biển mà Công ước Luật Biển (UNCLOS) đã quy định.
Các sự kiện như vậy dẫn đến câu chuyện là áp dụng UNCLOS thế nào trước thực trạng có những hành động có thể đẫn dến xung đột, xâm phạm quyền hợp pháp và phải xử lý thế nào với đòi hỏi vượt quá căn cứ pháp lý của Trung Quốc, ông Vinh nói.
Có một thực tế là, Trung Quốc ỷ thế mạnh, và dù không ai công nhận Đường lưỡi bò của Trung Quốc nhưng cho đến trước phán quyết của Tòa thì về mặt pháp lý chưa đủ căn cứ để phản bác.
Năm 2013, quyết định khởi kiện của Philippines là bắt buộc phải làm và là quyết định rất dũng cảm. Quyết định này chỉ được đưa ra sau khi sự đã rồi, Philippines không còn bài toán nào, kể cả sau sự dàn xếp thất bại giữa Philippines và Trung Quốc do Mỹ làm trung gian, ông Vinh cho hay.
Chiến thắng của pháp lý
Thạc sỹ Hoàng Việt, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 15 đệ trình yêu cầu Tòa phán quyết thì tòa đã đáp ứng được cho Philippine 14 điều rưỡi, như vậy Philippines đã thắng gần như tuyệt đối trong trường hợp này.
Mặc dù có ý kiến cho rằng luật pháp quốc tế nói chung có điểm yếu, đó là Phán quyết sẽ không có cơ quan nào cưỡng chế thực hiện, không phải chỉ phán quyết này mà tất cả các phán quyết, kể cả tòa ICJ là cơ quan tư pháp của LHQ, các phán quyết đều có tính chất là yêu cầu các bên thiện chí chấp hành, nhưng theo ông Hoàng Việt, phán quyết này có ảnh hưởng rất lâu dài.
Cụ thể, có 3 vấn đề lớn trong phán quyết này sẽ trở thành tiền lệ. Thứ nhất là, bác bỏ cái gọi là yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với vùng nước bên trong Đường lưỡi bò.
Hai là, Tòa đưa ra giải thích rằng, những quy định trong UNCLOS đối với các quốc gia thành viên sẽ ưu tiên hơn so với những cái gọi là lịch sử.
Ba là, Tòa giải quyết được vấn đề quy chế của các cấu trúc ở Trường Sa. Toà kết luận rằng các cấu trúc mà Trung Quốc yêu sách không phải là đảo và vì thế không tạo thành vùng EEZ và thềm lục địa. Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Tổng thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam, lần đầu tiên, một cơ chế tài phán quốc tế chính thức đưa ra ý kiến phản bác yêu sách "Đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông, giải thích các quy định về quy chế pháp lý của đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm và bãi ngầm trong Công ước Luật biển 1982 và áp dụng đối với các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa.
Cũng theo chuyên gia này, Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc còn trực tiếp xem xét và kết luận về tính chất phi pháp của một số hành động mà lực lượng chấp pháp Trung Quốc tiến hành dựa trên những yêu sách vùng biển của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây đều là những tiền lệ pháp lý quốc tế có giá trị tham khảo đối với các quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982, đặc biệt là các quốc gia ven Biển Đông.
Đồng tình với ý kiến này, ông Việt cho rằng, nội dung bác bỏ Đường lưỡi bò, với những quốc gia ven Biển Đông khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia đều có lợi vì những quốc gia này nói cho cùng đều bị Trung Quốc dùng Đường lưỡi bò xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế.
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, phán quyết của tòa là chiến thắng của pháp lý, của UNCLOS chứ không phải của Philippines hay của Trung Quốc. Biển Đông là khu vực địa chính trị và có tranh chấp rất phức tạp, phán quyết của tòa trọng tài tạo ra căn cứ rõ ràng hơn rất nhiều về cách nhìn các tranh chấp này và quản trị các tranh chấp này.
"Phán quyết như căn cứ cho các nước dùng lẽ phải và để chứng tỏ sức mạnh không phải là tất cả", ông Vinh nói.
Làm thế nào để sức mạnh của phán quyết được củng cố?
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, mặc dù Trung Quốc vẫn không chấp nhận, nhưng phán quyết này có tác động không nhỏ, nên sau phán quyết Trung Quốc mới tìm cách nối lại quan hệ với Philippines.
Trung Quốc là một nước lớn, không phải lúc nào họ cũng dễ gì mà đáp ứng những yêu cầu của Philippines. Sau phán quyết họ mất mặt và cảm thấy cần xuống thang với Philippines và ông Duterte đã cung cấp cho họ 1 cái thang để họ đi xuống, ông Việt bình luận.
"Phán quyết này đã tạo thành một tiền lệ. Nếu không có phán quyết này thì không dễ gì ông Duterte có thể nói chuyện với ông Tập Cận Bình, và nếu không có phán quyết thì Philippines phải nói chuyện với Trung Quốc bằng một thế khác", ông Việt nói.
Về giá trị của phán quyết, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, dù cho các bên phản bác hay không phản bác thì phán quyết vẫn tồn tại một cách khách quan như một bộ phận của luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, các chuyên gia đều cho rằng, cuộc chiến công hàm có sự tham gia của các nước trong và ngoài khu vực trong thời gian vừa qua là một bước tiến và sự khẳng định sức mạnh của phán quyết.
Phán quyết của tòa trọng tài đóng vai trò quan trọng trong luật biển quốc tế, không dễ dàng xóa bỏ được, dù Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của tòa trọng tài, không tham gia, không thừa nhận cũng như không tuân thủ. Bằng chứng là trong khoảng thời gian từ cuối năm 2019, đến năm 2020, cũng như trong đầu năm 2021, các quốc gia đã đưa ra một loạt công hàm, trong đó hầu hết đều viện dẫn trực tiếp UNCLOS và phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 và nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ, ông Việt dẫn chứng.
Nhìn lại 5 năm qua kể từ sau khi có phán quyết, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, dù Trung Quốc ngày càng tiến hành nhiều hành sai trái liên quan đến Đường lưỡi bò, xâm phạm EEZ và thềm lục địa của các nước khác, thì cũng ngày càng nhiều hơn các nước ủng hộ UNCLOS một cách rất mạnh mẽ.
Rõ ràng, điều này tạo ra xu thế dù Trung Quốc có muốn hay không. Và dường như, Trung Quốc cũng dần ít nhắc đến cái gọi là Đường lưỡi bò, mà thay vào đó là "yêu sách Tứ Sa". Như vậy là trước áp lực của dư luận quốc tế, Trung Quốc cũng đã phải giật mình, ông Vinh nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà thì cho rằng, hiệu lực pháp lý của Phán quyết sẽ ngày càng được củng cố khi các quốc gia không phải là một Bên của vụ kiện, nhất là những quốc gia ven Biển Đông, những quốc gia tham gia sử dụng vùng biển và khai thác tài nguyên ở Biển Đông viện dẫn Phán quyết này khi giải quyết các tranh chấp liên quan tới họ ở Biển Đông hay ở các vùng biển khác.
Thực tế cho thấy đã có nhiều nước tuyên bố khẳng định giá trị pháp lý ràng buộc của Phán quyết đối với Philippines và Trung Quốc. Không những thế, ngay trong năm 2020, một số nước đã gửi công hàm chính thức tới Tổng thư ký Liên Quốc, viện dẫn kết luận của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc để phản bác cái gọi là "Yêu sách Tứ Sa" hay "yêu sách lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, bà Hà dẫn chứng.
Bằng những hình thức khác nhau, các quốc gia đã đi được một bước trong 5 năm qua, qua một loạt các công hàm và tuyên bố, nhưng còn phải làm nhiều hơn. Sẽ đến lúc phải sử dụng phán quyết này như một phần căn cứ để đảm bảo trật tự pháp lý trên biển ở khu vực Biển Đông, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Philippines đã giành chiến thắng pháp lý lật tẩy yêu sách sai trái của Trung Quốc
Tâm trạng của người Philippines vào thời điểm quyết định đưa vụ kiện ra tòa trọng tài khá hỗn độn. Đó vừa là cảm giác không còn lựa chọn nào khác sau khi Trung Quốc từ chối rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough, nhưng đó cũng là sự e ngại về những phản ứng sau đó của Trung Quốc.
Chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III, Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines
Nhiều người nghĩ rằng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, đứng về phía Philippines và lòng dũng cảm của đất nước này cuối cùng sẽ được đền đáp. Nhưng nhiều người cũng bày tỏ lo ngại về sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc và điều này có thể tác động đến kết quả của vụ việc như thế nào.
Khi phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án được tuyên, trong lòng người dân Pilippines có một cảm giác nhẹ nhõm, tự hào và lạc quan tuyệt vời. Người dân kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ phán quyết và Philippines có thể tập hợp sự ủng hộ của khu vực và quốc tế để khuyến khích, nếu không thế ép buộc, Trung Quốc tuân thủ.
Tuy nhiên, niềm hân hoan về phán quyết lịch sử của tòa trọng tài cũng đi kèm với sự cảnh giác về những đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc. Philippines đã chuẩn bị cho các đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc hoặc các hành động có thể gây tổn hại đến lợi ích của họ. Những người trồng và xuất khẩu nông sản đã gặp phải những hạn chế tiếp cận thị trường vào Trung Quốc kể từ năm 2012 và lượng khách du lịch Trung Quốc đã giảm dần. Các ngành công nghiệp khác cũng lo sợ về một viễn cảnh tương tự.
Cố Tổng thống Benigno Simeon Aquino III đã đưa ra quyết định khó khăn là kiện Trung Quốc ra tòa. Mặc dù có thể đã có cuộc tranh luận nội bộ trong nội các của ông về thế nào là cách ứng phó tốt nhất với bế tắc ở bãi cạn Scarborough, nhưng chính ông Aquino đã đưa ra quyết định cuối cùng để lựa chọn con đường pháp lý, và nhờ vậy, Philippines đã giành được một chiến thắng pháp lý to lớn giúp lật tẩy những yêu sách sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dù thế nào, cố Tổng thống Aquino sẽ được nhớ đến là người đã dũng cảm thách thức yêu sách tham lam và sai trái của Trung Quốc ở trên biển.
Lucio Blanco Pitlo III, Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết