5 lợi ích của quả đào với sức khỏe

(Kinhdoanhnet) - Quả đào được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: bổ sung kali, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư, hạ cholesterol….

Ðào - Prunus persica Stokes (Amygdalus persica L.), thuộc họ hoa hồng (Rosaceae), còn có tên gọi khác là quả sơn đào, mao đào, bạch đào hồng đào... Quả đào hơi vàng, hơi đỏ, có vỏ mượt như nhung, cùi thịt trắng hoặc vàng, nhiều nước (tùy từng loại).

5 lợi ích của quả đào với sức khỏe - Ảnh 1
Quả đào được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

Có hai loại đào: loại có vỏ mượt như nhung được gọi là Đào còn loại khác có vỏ nhẵn gọi là Xuân đào. Thành phần chủ yếu của quả đào là các loại protein, chất béo, các loại đường glucose, glucosa, đường saccarose, caroten, vitamin B1, B2, C, PP và các chất sắt, canxi, photpho....

Không chỉ có vị ngọt và hương thơm đặc trưng, quả đào còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. ThS.BS Trần Thu Nguyệt – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết quả đào có nhiều tác dụng như: 

Khả năng chống oxy hóa

Cả vỏ và thịt của quả đào đều cung cấp những chất chống oxy hóa rất quan trọng như: lutein, zeaxanthin và beta – crytoxanthin giúp thu thập các gốc tự do trong cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại ảnh hưởng của rất nhiều bệnh do gốc tự do gây nên.

Bổ sung kali

Thiếu kali có thể sẽ dẫn đến tình trạng hạ kali máu và có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của cơ bắp cũng như gây ra tình trạng nhịp tim bất thường. Quả đào có thể giúp cơ thể bổ sung kali, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, sử dụng carbohydrate, duy trì cân bằng điện giải và điều chỉnh mô ở các cơ bắp. 

5 lợi ích của quả đào với sức khỏe - Ảnh 2
Loại đào có lớp vỏ nhẵn gọi là Xuân đào

Hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư

Đào rất giàu phenolic và carotenoid. Đây là những chất có tác dụng chống ung thư và chống các chất gây ra một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư phổi và ung thư đại tràng.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, axit chlorogenic và axit neochlorogenic trong đào có tác dụng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư vú mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác của cơ thể. Điều này khác hẳn với biện pháp hóa trị trong điều trị ung thư, khi mà biện pháp này sẽ ảnh hưởng lên cả tế bào ung thư và các tế bào khỏe mạnh khác.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy, nhóm thực vật họ Rosaceae (trong đó có đào) rất giàu beta – carotene, do vây có thể có tác dụng chống lại bệnh ung thư phổi.

Phòng ngừa táo bón trĩ, loét dạ dày

Đào rất tốt trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh do có chứa nhiều chất xơ và các thành phần kiềm. Chất xơ trong đào có thể hấp thu nước và giúp ngăn chặn các rối loạn về đường ruột như táo bón, trĩ, loét dạ dày, viêm dạ dày và nhu động ruột bất thường. Chất xơ cũng có thể giúp làm sạch và loại bỏ các chất độc ra khỏi đường ruột và ngăn chặn nhiều loại rối loạn tiêu hóa khác nhau, và có thể cả ung thư dạ dày.

Hạ cholesterol

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thành phần phenolic có trong vỏ và thịt quả đào có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu LDL và kích thích hình thành các cholesterol tốt HDL. Việc này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch và duy trì sức khỏe tim mạch tối ưu.

Lưu ý 

Tuy có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng người tiêu dùng cũng cần lưu ý rằng việc ăn quá nhiều đào sẽ tạo ra nhiệt quá mức trong cơ thể. Do đó, những người bị khát nước hoặc đau cổ họng không nên ăn quá nhiều đào.
Ngoài ra, dù không phổ biến nhưng quả đào có thể gây các phản ứng dị ứng ở một số người. Những triệu chứng này bao gồm hội chứng dị ứng miệng, mày đay tiếp xúc, các triệu chứng đường tiêu hóa và đường hô hấp. Hạt đào chứa các chất có khả năng phân hủy phân tử đường và khí hydrogen cyanide. Liều cao những hóa chất này có thể nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

Dung Nguyễn (Theo SK&ĐS, NĐT)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục