Ông Nguyễn Văn Đực - PCT Hiệp hội BĐS Tp HCM
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đực, PCT Hiệp hội BĐS TP HCM, GĐ Cty địa ốc Đất Lành rất băn khoăn, phân tích “ Việc xây nhà ở xã hội cho thuê với giá 1 triệu đồng không khả thi” với 4 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, về tài chính nhiều DN đang méo mặt với lãi suất vay của ngân hàng. Hiện nay phần đông DN gặp khó khăn khi phải vay vốn với lãi suất không dưới 12%/năm. Trong khi, theo tính toán, làm nhà cho thuê chỉ đem lại mức lãi suất từ 7 - 8%. Sự chênh lệch về lãi suất như thế, chỉ cần làm phép so sánh đã thấy DN lỗ nặng rồi. Chưa kể không có chuyện lãi suất do hoạt động kinh doanh đem lại sẽ đạt 100%. DN còn phải tính đến khấu hao, tại vì người dân thường có tâm lý xem nhà thuê không phải là tài sản của mình, nên thiếu ý thức giữ gìn tài sản. Dẫn đến chi phí để bảo trì, bảo dưỡng công trình đương nhiên DN phải bỏ ra nhiều hơn, so với việc bán đứt cho người dân. Do vậy, khó có DN nào “dũng cảm” và có khả năng chi hàng trăm tỷ đồng xây nhà rồi cho thuê “lấy” vài chục triệu đồng hay vài trăm triệu đồng một tháng.
Thứ hai, về mặt kỹ thuật, hiện không có tiêu chuẩn do cơ quan chức năng đưa ra quy định về nhà cho thuê, sẽ được xây dựng theo những tiêu chí như thế nào. Ngay cả việc áp dụng xây theo tiêu chí nhà thu nhập thấp với diện tích tối thiểu từ 35m2 trở lên thì cũng không khả thi. Thực tế hiện nay, có hiện tượng người dân sử dụng căn nhà của mình (nhà thương mại, hoặc NƠXH, hoặc nhà tự xây trong khu dân cư) chia thành nhiều phòng với diện tích từ 15 đến 20m2/phòng, rồi cho thuê với giá từ 1,5 đến 3 triệu/phòng, tùy theo vị trí. Như vậy, về diện tích có thể thấy nhà cho thuê ngoài thị trường hiện nay có diện tích rất nhỏ, nhưng nếu DN làm theo “tiêu chí” mà người dân đang làm, thì giá thuê vẫn phải cao hơn. Do DN bất động sản phải tính đến các hạng mục công trình khác khác, như: hạ tầng; công viên; “vườn hoa” và trường học, trạm y tế…
Thứ ba, ở góc độ quy hoạch xây dựng, cũng không cho phép DN xây nhà với diện tích nhỏ như thế - nếu vi phạm bị phạt rất nặng, thậm chí bị dừng dự án. Trong khi người dân tự ý làm được như vậy, chứng tỏ sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn lỏng lẻo.
Thứ tư, trước đây mô hình nhà cho thuê cũng từng áp dụng thí điểm nhưng thất bại. Do Nhà nước không có biện pháp kiểm soát tình trạng người dân (không có nhu cầu về nhà ở) vẫn tìm cách “móc ngoặc” để thuê với giá thấp. Sau đó cho thuê lại với giá cao hơn – pháp luật cũng không cấm được. “Thực trạng” này hiện nay vẫn rất khó kiểm soát, đây cũng là một nguyên nhân nữa khiến ý tưởng “nhà cho thuê giá 1 triệu đồng/tháng” khó khả thi.
Theo PLXH