Chì là một kim loại mềm, màu xám, có thể tạo thành nhiều hợp chất có màu sắc khác nhau nên thường được dùng trong pha sơn, kỹ nghệ thủy tinh, làm chất màu cho đồ gốm....
Tỏi có thể hóa giải ngộ độc chì và làm giảm nguy hại khi chì vào cơ thể.
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi vào cơ thể với mức nào thì chì cũng có hại cho sức khỏe. Và nếu tích tụ lâu dài, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, vô sinh, sẩy thai...
Riêng với trẻ em, chì có tỷ lệ nghịch với sự phát triển chỉ số thông minh, chỉ cần nồng độ trong máu là 100microgam/lít cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. Còn ở người lớn, nếu nồng độ lên đến 250microgam/lít thì thận, hệ thần kinh… sẽ bị phá hủy, nếu cao hơn nữa có thể hôn mê và tử vong.
Khi uống phải muối chì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu ngộ độc cấp như rát miệng, nôn, đau bụng, ỉa phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết… Trường hợp ngộ độc chì trường diễn: xuất hiện vành đen ở lợi miệng rất sớm, người có thể có dấu hiệu thần kinh như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nhức đầu, hoang tưởng ảo giác.
Do đó, khi chì nhiễm vào cơ thể, cần phải tìm cách giải độc chì càng sớm càng nhanh càng tốt, nếu để lâu chì sẽ nhiễm sâu hơn vào cơ thể và gây nguy hại cho sức khỏe thậm chí là tính mạng. Dùng các loại thực phẩm để hỗ trợ thải độc trì là một trong những biện pháp được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Đặc biệt là với những trường hợp nhiễm độc chì nhẹ. Cụ thể những nhóm thực phẩm dưới đây đã được chứng minh là hỗ trợ thải độc chì hiệu quả:
Nhóm trà, sữa
Sữa chua có thể kích thích nhu động ruột làm giảm sự hấp thụ chì và làm tăng sự bài tiết
Sữa, sữa đậu nành có chứa các thành phần protein, khi kết hợp với chì trong cơ thể sẽ tạo thành một hợp chất hòa tan, sau đó thải ra ngoài. Sữa chua có thể kích thích nhu động ruột làm giảm sự hấp thụ chì và làm tăng sự bài tiết.
Còn trà chứa axit tannic và các chất khác, có thể được kết hợp với chì trong cơ thể tạo thành chất hòa tan, bài tiết cùng nước tiểu.
Nhóm rau quả, gia vị
Tỏi không chỉ là gia vị quen thuộc trong nhà bếp mà còn có tác dụng hóa giải ngộ độc chì, có thể làm giảm nguy hại khi chì vào cơ thể. Cùng với tỏi thì mộc nhĩ cũng giúp thải độc chì khá hiệu quả. Ăn mộc nhĩ thường xuyên có thể loại bỏ bớt lượng chì trong cơ thể và các chất độc hại khác.
Trái cây có chứa chất kết dính hoặc nhựa như kiwi, táo, cam quýt khi ăn vào cơ thể, di chuyển trong đường ruột sẽ kết tủa hoặc hút chì, làm cho lượng chì trong hệ tiêu hóa nhiễm vào đường ruột giảm xuống.
Còn các loại rau quả như rau cải mỡ, bắp cải, mướp đắng, những loại giàu vitamin C khi kết hợp với chì sẽ tạo ra muối không độc không hòa tan trong nước rồi thải ra ngoài. Bình thường mỗi người nên ăn ít nhất 150mg vitamin C mỗi ngày, người đã được chẩn đoán ngộ độc chì thì có thể tăng lên đến 200mg.
Đặc biệt, người nhiễm độc chì nên ăn nhiều cà rốt. Bởi cà rốt chứa rất nhiều pectin, làm giảm độc tính của chì trong cơ thể và giảm sự hấp thụ chì.
Nhóm hải sản, thịt động vật
Trong nhóm hải sản, thịt động vật thì tôm có tỉ lệ canxi cao, mỗi 500 gram vỏ tôm chứa đến 250 gram canxi, trong khi đó canxi có tác dụng giúp bài tiết chì hiệu quả. Hàu có hàm lượng kẽm cao, sẽ ngăn chặn sự hấp thụ chì vào cơ thể. Rong biển chứa các thành phần có khả năng giải độc, có tác thúc đẩy sự bài tiết chì. Còn thịt bò, gan động vật có chứa protein và canxi dồi dào, có thể ngăn chặn cơ thể hấp thụ chì.
Hoài Anh (T/h)