3 năm, 11 nhà băng “biến mất” khỏi thị trường

(Kinhdoanhnet) – Trong 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tính đến nay đã có 9 cái tên biến mất khỏi thị trường, dự kiến trong vòng 1 tháng tới đây sẽ thêm 3 cái tên nữa cũng phải “ra đi” nâng tổng số lên thành 11 ngân hàng, chưa kể hàng loạt công ty tài chính khác cũng được ồ ạt sáp nhập thời gian qua.

Theo như báo cáo vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội, sau 3 năm thực hiện theo Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt được nhiều thành công. Thanh khoản của các ngân hàng thương mại được củng cố, tạo lòng tin đối với người gửi tiền. Đồng thời đã có gần chục thương hiệu hoàn toàn bị biến mất khỏi thị trường. Không chỉ vậy một loạt các ngân hàng khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị sáp nhập.

3 năm, 11 nhà băng “biến mất” khỏi thị trường
3 năm, 11 nhà băng “biến mất” khỏi thị trường.

Cụ thể trong thời gian qua, thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, số lượng tổ chức tín dụng đã giảm đi 7 tổ chức. Nhưng nếu như tính cả những thương vụ đang chuẩn bị diễn ra trong thời gian tới đây, số ngân hàng phải biến mất hoàn toàn khỏi thị trường sẽ lên tới 9 ngân hàng. Bao gồm 5 ngân hàng đã biến mất Ficombank, TinNghiaBank, Habubank, Western Bank, DaiABank và sắp tới sẽ tới lượt MDB và 3 ngân hàng nữa biến mất sau khi hoàn thành thương vụ sáp nhập.

Ngoài ra trong vòng 4 tháng đầu năm 2015, hai ngân hàng yếu kém là khác là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (Ocean Bank) đã buộc phải về tay Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng/cổ phần. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện giải pháp này để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Tính cả Ocean Bank và VNCB, tổng số ngân hàng yếu kém được xử lý lên tới 11 ngân hàng trong hơn 3 năm qua, chưa kể hàng loạt công ty tài chính khác cũng được ồ ạt sáp nhập thời gian qua.

Dự kiến trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng nhờ sự nỗ lực tái cơ cấu lại ngân hàng trong suốt thời gian qua của toàn ngành đã góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam lọt vào danh sách 1.000 ngân hàng thế giới năm 2014, do tờ tạp chí The Banker công bố. Không những thế, trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam cũng chiếm đa số trong top 10.

Với những gì đã đạt được trong thời gian qua, nhiều chuyên gia tin tưởng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thành được đúng mục tiêu đề ra trong năm 2015 là xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém. Chậm nhất thì cũng chỉ tới đầu năm sau, cơ quan này sẽ cơ bản đạt được mục tiêu của Đề án 254.

Hoàng Anh (Th theo Báo Đầu tư; Vneconomy; QĐND)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục