3 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay có 3 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

3 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội - Ảnh 1

Bộ Xây dựng đã có công văn 3583/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận, hiện nay, công nhân gặp khó khăn về nhà ở, khi ở trọ thì có rất nhiều vấn đề phát sinh (an ninh, sinh hoạt không đảm bảo, chi phí cao). Cử tri kiến nghị sớm triển khai chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động và mức vay tối đa là 1 tỷ đồng.

Đối tượng thu nhập thấp, người lao động còn khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội

Về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, bảo đảm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội (cụ thể như: Các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...).

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 294 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, với tổng diện tích khoảng 14.425.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra, thiếu nguồn cung dẫn đến nhiều đối tượng thu nhập thấp, người lao động còn khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội và phải sử dụng loại hình nhà trọ không bảo đảm chất lượng, điều kiện sống do các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng.

Do vậy, việc nghiên cứu chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội và quản lý, nâng cao chất lượng nhà trọ, giúp khắc phục các vấn đề phát sinh (an ninh, sinh hoạt không bảo đảm, chi phí cao) như kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận là cần thiết.

Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.

Theo đó, Dự thảo đã dành một chương quy định về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có các chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, ngày 3/4/2023, tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Theo đó, mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn nhà ở xã hội. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Ba chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội

Về kiến nghị mức vay cho công nhân lao động gặp khó khăn về nhà ở, khi ở trọ tối đa 1 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay có 3 chương trình tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Cụ thể, hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có lãi suất vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay là 4,8%; thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm.

Gói vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án 1 triệu căn hộ; thực hiện trong giai đoạn 2023-2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, hướng dẫn triển khai các gói tín dụng nêu trên.

T.M

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục