Bộ công an điều tra các dự án “ma” của Alibaba
Bộ Công an vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (địa chỉ trụ sở tại: 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
Theo đó, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm về lĩnh vực đất đai liên quan đến Công ty Alibaba.
Qua xác minh, được biết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai Công ty Alibaba rao bán đẩ nền 29 dự án. Riêng huyện Long Thành có tới 27 dự án gồm Xã Phước Bình có 3 dự án Alibaba Central park, Alibaba Central park II, Alibaba Central park III, xã An Phước có 1 dự án Alibaba An Phước ở ấp 5; xã Long Phước có 17 dự án là: Từ Alibaba 1 - Alibaba 16 và dự án Khu dân cư Quốc tế Lilama… Tại huyện Nhơn Trạch có 1 dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, huyện Xuân Lộc có một dự án Ali Mega Xuân Lộc…
Văn bản của Bộ Công an gửi Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai.
Để phục vụ việc điều tra, xử lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến các dự án nói trên.
Tuy nhiên, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, chưa cấp phép bất cứ dự án nào cho địa ốc Alibaba tại Đồng Nai. Bởi vậy các dự án của địa ốc Alibaba Đồng Nai quảng cáo rao bán rầm rộ, đều là dự án “ma”.
Bên cạnh đó, Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định, đang chuyển toàn bộ thông tin tài liệu liên quan đến các dự án của Công ty Alibaba đến Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ công an theo yêu cầu.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng rà soát làm rõ vi phạm của Alibaba để xử lý theo đúng quy định. Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, nếu phát hiện địa ốc Alibaba còn quảng cáo sai sự thật về các dự án đất nền tại Đồng Nai sẽ có văn bản đề nghị TP.HCM xử phạt vi phạm và khi có kết luận của cơ quan điều tra về vi phạm sẽ kiến nghị rút tên miền.
Liên quan đến hoạt động rao bán đất nền các dự án của địa ốc Alibaba, mới đây UBND huyện Long Thành cũng đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thanh tra tình hình hoạt động của các công ty, đơn vị kinh doanh bất động sản trên địa bàn huyện, nhằm làm rõ những dự án khu dân cư nào có cơ sở pháp lý.
Những doanh nghiệp, cá nhân nào lợi dụng tiếp thị chào bán các khu đất tự phân lô không có cở sở pháp lý rõ ràng... để kịp thời ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Hiện UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo Công an huyện điều tra làm rõ việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba bán đất nền trên địa bàn huyện, đồng thời UBND huyện cũng thành lập tổ kiểm tra, góp phần làm rõ vi phạm của những doanh nghiệp, cá nhân khác lợi dụng bán đất nền trái phép.
HoREA cảnh báo dấu hiệu kinh doanh bất thường của Alibaba
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Địa ốc Alibaba, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng từng phát đi thông tin cảnh báo, vạch ra những điểm bất thường trong hoạt động kinh doanh, rao bán đất nền hàng loạt dự án của Công ty Alibaba. Theo HoREA, qua đơn tố giác của người tiêu dùng, các công ty địa ốc có cùng nhóm tên Alibaba này đang lộ ra ngày càng nhiều dấu hiệu nghi vấn trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Văn phòng công ty địa ốc Alibaba tại huyện Long Thành, Đồng Nai.
Trước hết là việc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư hàng loạt dự án, thu tiền trước của khách hàng, nhưng nhiều thông tin dự án trong số này không đúng sự thật, các dự án không được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. Với hành vi này, HoREA đánh giá Alibaba đang lừa dối khách hàng, đẩy người mua nhà đất vào nguy cơ rủi ro lớn. Đây là hành vi công bố thông tin sai sự thật, nằm trong điều cấm của Luật Kinh doanh Bất động sản.
Bên cạnh đó, về vốn điều lệ của doanh nghiệp, HoREA đánh giá, vốn điều lệ của địa ốc Alibaba khủng đến mức bất thường.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ một tỷ đồng. Sau nhiều lần đăng ký thay đổi từ năm 2015 đến năm 2017, số vốn điều lệ của doanh nghiệp từ một tỷ đồng đã vọt lên 1.600 tỷ đồng theo hình thức góp vốn bằng tiền mặt. 3 cổ đông gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ và bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, hình thức đăng ký góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản. Ba cổ đông của Alibaba Tây Bắc gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng; ông Lê Xuân Sơn ngụ tại phường Phú Mỹ, quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng; bà Đặng Thị Bích Ngọc ngụ tại phường 8, quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng.
Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11/12/2010, tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH một thành viên RENTHOUSE, vốn điều lệ chỉ có 100 triệu đồng. Năm 2017 doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, vốn điều lệ được nâng lên 100 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, Thủ Đức. Công ty này chỉ có một thành viên là ông Nguyễn Thái Luyện và cũng là người đại diện pháp luật.
HoREA đặt vấn đề, số vốn điều lệ của các công ty thuộc nhóm Alibaba quá lớn đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp (xuất hiện 3-5 năm trên thị trường bất động sản).
Thêm vào đó, cổ đông của nhóm các công ty Alibaba sở hữu chồng chéo. Chưa rõ thực hư các cổ đông đã góp vốn điều lệ đủ hay chưa, cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế năm 2016 như thế nào.
Các thông tin này cần được làm rõ có bị “ảo” hay không, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp dùng chiêu bài vốn khủng để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Hải Lan