15 ngân hàng ôm gần 50.000 tỷ đồng nợ xấu

(Kinhdoanhnet) – 9 tháng đầu năm 2016 ghi nợ xấu ở hầu hết các ngân hàng đều có chiều hướng gia tăng, và nợ xấu vẫn có xu hướng tập trung mạnh tại một số ngân hàng như BIDV, VPBank và Eximbank…

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đang chỉ đạo đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thế nhưng nhìn chung thị trường ngân hàng 9 tháng đầu năm 2016 vẫn ghi nhận nợ xấu tăng lên về cả khối lượng và tỷ lệ.

Dẫn đầu về khối lượng nợ xấu vẫn là cái tên khá quen thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Sở hữu mức dư nợ tín dụng lớn nhất hệ thống lên tới hơn 675 nghìn tỷ đồng, thế nhưng một mình BIDV cũng ôm tới 13.683 tỷ đồng nợ xấu, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,03% và chiếm tới 27% tổng nợ xấu của 15 ngân hàng. Đặc biệt, trong số đó có tới 7.392 tỷ đồng là Nợ có khả năng mất vốn, tăng 42% so với đầu năm; cùng với gần 2.223 tỷ đồng Nợ nghi ngờ, tăng 150% so với đầu năm; Nợ dưới tiêu chuẩn là 4.068 tỷ đồng.

BIDV xếp đầu thì Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng “không chịu thua kém” khi ngân hàng này cũng đang ôm tới 5.414 tỷ đồng Nợ có khả năng mất vốn, tuy chỉ xấp xỉ hồi đầu năm nhưng Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ của Vietcombank lại tăng mạnh 133% từ 750 tỷ đồng lên 1.745 tỷ đồng, cộng với 599 tỷ đồng Nợ dưới tiêu chuẩn đã đẩy tổng nợ xấu của Vietcombank hiện tại lên con số 7.758 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.

Tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) dù vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% nhưng 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự gia tăng của nợ xấu. Tuy có đà giảm 40% của nhóm Nợ dưới tiêu chuẩn, thế nhưng Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn lại tăng gần 30%, nâng tổng nợ xấu của Vietinbank vượt ngưỡng 5.380 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 0,86%.

9 tháng đầu năm vẫn là quãng thời gian khó khăn về nợ xấu đối với những ngân hàng như Sacombank, Eximbank hay VPBank…

Sacombank kể từ khi sáp nhập với Southerbank đã phải gánh khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng, từ đó mà lợi nhuận của ngân hàng này ngày càng đi xuống. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2016, Sacombank chỉ đạt 550 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng ¼  cùng kỳ năm trước. Trong khi đó nợ xấu của ngân hàng đã tăng lên 4.620 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu đã lên tới 2,37%.

 

15 ngân hàng ôm gần 50.000 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1

15 ngân hàng trong hệ thống đang ôm gần 50.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó BIDV chiếm tới 27%. Tỷ lệ nợ xấu tại Eximbank và VPBank đang cao vượt ngưỡng 3%. Ảnh: QT.

VPBank cũng là ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn so với mặt bằng trung của 15 ngân hàng. Hiện tại, tổng giá trị nợ xấu tại VPBank đang là 4.013 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% của Ngân hàng Nhà nước đặt ra và đang ở mức xấp xỉ 3,09% tổng dư nợ. Đặc biệt, cơ cấu nợ xấu của VPBank lại tập trung rất nhiều vào Nợ nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn khi chiếm tới hơn 50% tổng nợ xấu. Điều này phản ánh đúng tình hình cho vay của VPBank khi tập trung cho vay tiêu dùng cá nhân thông qua công ty tài chính với những khoản vay lãi suất cao nhưng không có tài sản thế chấp.

Thời gian gần đây liên tục chứng kiến sự sa sút và tổng tài sản cũng như các chỉ số ngân hàng của Eximbank. Kết thúc 9 tháng đầu năm nay cũng không ngoại lệ khi mà tổng tài sản Eximbank tiếp tục giảm xuống còn 123.997 tỷ đồng, dù khoản huy động vốn tăng 5% nhưng cho vay của Eximbank lại âm 5% so với đầu năm chỉ còn 79.503 tỷ đồng. Trong khi dư nợ Eximbank giảm thì tổng nợ xấu lại tăng mạnh tới 72% so với đầu năm, đẩy tổng nợ xấu Eximbank lên 2.706 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống 3,35%, đầu năm chỉ là 1,86%.

Trong 9 tháng đầu năm cũng chứng kiến nhiều ngân hàng mạnh tay với các khoản trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Đi đầu là BIDV ngoài việc xử lý nợ thông qua bán nợ cho VAMC thì trích lập dự phòng rủi ro của BIDV cũng lên tới 6.972 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trích lập trên 50% để bù đắp các khoản nợ xấu. Vietcombank cũng sử dụng tới 4.514 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, con số này bên phía Vietinbank cũng là 4.977 tỷ đồng. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao như Sacombank, VPBank hay Eximbank cũng trích lập dự phòng lần lượt là 677 tỷ đồng; 3.960 tỷ đồng và 923 tỷ đồng.

Các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ trong hệ thống tuy khối lượng và tỷ lệ nợ xấu có tăng giảm khác nhau nhưng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu ổn định dưới 2% tổng dư nợ, như tại MBBank tỷ lệ nợ xấu là 1,34%; tại Techcombank là 1,81%; 0,72% tại BacABank; 1,54% tại VIB và 1,18% tại VietABank.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục