UBND TP Việt Trì "coi trời bằng vung": Bài 9- Cận cảnh 27 tỷ đồng vốn ngân sách bị "đốt" như vàng mã

(Kinhdoanhnet) - Từ việc bán đất trên giấy khi chưa có quỹ đất đã đền bù (bán đất khống), đến việc “dễ dãi” thanh toán tiền cho những đơn vị “trúng thầu” xây dựng hạ tầng của những khu đất khống, cả việc thu hồi đất của dân để làm đường nhưng không đền bù... gây ra vô vàn bức xúc và khiếu kiện trong nhân dân thành phố Việt Trì

Sau loạt bài về việc UBND thành phố Việt Trì bán khống 164 suất đất dọc theo đường Nguyễn Tất Thành (bán đấu giá, thu tiền vào ngân sách từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn không có đất để giao cho người trúng đấu giá). Lý do vì Ban lãnh đạo đã có quá nhiều sai phạm trong trình tự cũng như thủ tục giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất. 

Sai phạm này cũng đã được một số đoàn Thanh tra vào cuộc. Sai phạm phần nào cũng đã được phanh phui nhưng cho đến nay việc xử lý hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ vì các phương án mà lãnh đạo Thành phố đưa ra đều không tìm được lối thoát.

Báo Kinh doanh & Pháp luật liên tục nhận được đơn thư phản ảnh, khiếu nại từ phía cán bộ, nhân dân thành phố Việt Trì liên quan không chỉ đến vụ việc này mà còn rất nhiều những vụ việc khác. Sau khi đi xác minh theo một số đơn thư nói trên, nhóm phóng viên điều tra đã phát hiện thêm quá nhiều sai phạm của lãnh đạo Thành phố Việt Trì trên nhiều lĩnh vực, đúng là Thành phố đã và đang ngập tràn sai phạm, đặc biệt là thời kỳ lãnh đạo của ông Chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Liên, nay đã được thăng chức lên Bí thư thành ủy.

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có rất nhiều cố gắng để làm thay đổi bộ mặt của Thành phố Việt Trì vì đây là thủ phủ của Tỉnh. Trong các hạng mục mà Tỉnh tập trung nhiều cố gắng nhưng chưa hoàn thành, đó là Quảng Trường Hùng Vương tại Trung tâm thành phố. Trong các hạng mục mà UBND Thành phố Việt Trì được giao thực hiện có dự án “Di chuyển, cải tạo đường dây 110KV Thác Bà Việt Trì từ cột số 371 đến cột 391 phục vụ bồi thường, GPMB xây dựng Quảng trường Hùng Vương và Trung tâm dịch vụ tổng hợp thành phố Việt Trì “. Tổng dự toán của dự án được duyệt là 26.766.032.000 đồng, cộng thêm 305.138.000 đồng của việc “Lập hồ sơ thu hồi và giao đất công trình …”, đưa tổng số chi phí cho dự án là hơn 27 tỷ đồng.

Hàng cột điện cao thế nhanh chóng được dựng lên rồi lại nhanh chóng được tháo dỡ
Hàng cột điện cao thế nhanh chóng được dựng lên rồi lại nhanh chóng được tháo dỡ

Lúc mới được giao, vào năm 2010, những tưởng trong phút chốc thì các đồng chí lãnh đạo Thành phố sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi cũng trong năm 2010, Việt Trì đang bội thu ngân sách do thành tích chủ yếu là đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng ai có ngờ được rằng, đó cũng chính là con đường tồi tệ nhất dẫn lãnh đạo thành phố đến những sai phạm động trời sau này. 

Chiều cao của cột điện cao thế giảm dần
Chiều cao của cột điện cao thế giảm dần

Từ việc bán đất trên giấy khi chưa có quỹ đất đã đền bù (bán đất khống), đến việc “dễ dãi” thanh toán tiền cho những đơn vị “trúng thầu” xây dựng hạ tầng của những khu đất khống, cả việc thu hồi đất của dân để làm đường nhưng không đền bù... gây ra vô vàn bức xúc và khiếu kiện trong nhân dân. 

Cũng với tinh thần tắc trách, đưa lợi ích tập thể xuống dưới tất cả các loại lợi ích khác cho nên chỉ sau một thời gian ngắn, dự án hơn 27 tỷ đồng đã bị Thành phố đốt ra tro không khác gì đốt vàng mã.

Khi chúng tôi viết bài này thì cũng là lúc dự án hơn 27 tỷ đồng đã và đang bị “hóa vàng”. Chúng tôi hy vọng rằng với những thông tin chúng tôi đưa lên báo, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ và Trung ương sẽ có thêm bằng chứng pháp lý để đưa những người cố tình sai phạm ra ánh sáng của pháp luật.

Dân đồng nát mua lại được đống nguyên liệu còn sáng bóng
Người thu mua đồng nát mua lại được đống “sắt vụn” vẫn còn mới tinh, được mạ kẽm sáng bóng.

Nói về dự án 27 tỷ đồng, ngày 15/12/2010, bằng Quyết định số 15301A/QĐ-UBND, Ông Nguyễn Quốc Liên, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì đã ký Quyết định “về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán của công trình di chuyển và cải tạo đường dây 110KV Thác Bà-Việt Trì từ cột số 371 đến cột 391 phục vụ bồi thường, GPMB xây dựng Quảng trường Hùng Vương và Trung tâm dịch vụ tổng hợp thành phố Việt Trì” với nguồn vốn đầu tư cho dự án là 100% vốn Ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Quyết định này, chi tiết vốn đầu tư được phân bổ như sau:
UBND TP Việt Trì "coi trời bằng vung": Bài 9- Cận cảnh 27 tỷ đồng vốn ngân sách bị "đốt" như vàng mã - Ảnh 1

Nếu như dự án được thông đồng bén giọt thì chắc ít người chú ý đến. Nhưng không một ai có thể nghĩ được rằng, một dự án như vậy mà chỉ vừa mới xây dựng xong hàng cột điện cao thế, chưa lắp xà, sứ, chưa kéo dây thì đã lập tức bị dỡ bỏ. Cột điện cao thế 110KV thì không thể như cột điện để mắc loa truyền thanh thời chống Mỹ. Với những hàng cột điện được chế tạo bằng thép mạ kẽm nhúng nóng, lắp ghép bằng bu lông, móng cột làm bằng bê tông cốt thép đúc tại chỗ, khi nhìn hàng cột bị dỡ bỏ, không ai không đau lòng, ai cũng phải tự nhủ rằng không biết UBND thành phố Việt Trì chọn tư vấn kiểu gì, duyệt dự án kiểu gì mà chưa khai sinh đã khai tử. Tiền Nhà nước đâu phải tiền âm phủ.

Khi đoàn phóng viên chúng tôi tiếp cận hiện trường tháo dỡ cột, nhìn những đống “sắt vụn” vẫn còn mới tinh, được mạ kẽm sáng bóng, lòng chúng tôi đau thắt lại trong khi những người mua được thì đang hớn hở tháo dỡ và vận chuyển về nơi tập kết. Nếu các dự án cứ như thế này cả thì đất nước ta sẽ đi về đâu?. 

Đi theo đội xe vận chuyển từ nơi tháo dỡ về tập kết tại một địa điểm trên phường Bến Gót, Việt Trì, chúng tôi được biết toàn bộ số cột trên đã được bán cho hộ I.H. phường Bến Gót. 

Hình thức, thủ tục mua bán ra sao, có đấu giá hay không, chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu. Chỉ biết rằng sau khi vận chuyển về trước nhà, số “sắt vụn” được một số người xếp gọn vào gần tường rào một nhà máy và nhanh chóng phủ bạt kín. Khi phóng viên giơ máy lên ghi hình và chụp ảnh thì đã bị một số đối tượng băm trợn chạy ra xua đuổi, nhóm phóng viên vội phải tháo lui để đảm bảo an toàn.

Theo thông tin chúng tôi nhận được thì việc phải phá bỏ một loạt cột điện cao thế 110KV giá trị hàng chục tỷ đồng là do việc vội vàng xây dựng khi chưa đền bù giải phóng mặt bằng cho nên Thành phố phải dỡ bỏ toàn bộ công trình nêu trên. Toàn bộ vật tư nguyên liệu từ chỗ mới tinh, trong nháy mắt đã biến thành sắt vụn. Vậy thì việc chi phí hơn 1,5 tỷ đồng cho tư vấn đầu tư xây dựng đổ đi đâu, chi phí hơn 305 triệu đồng cho việc Lập hồ sơ thu hồi và giao đất công trình đổ đi đâu, câu hỏi đang chờ cơ quan pháp luật vào cuộc.

Theo dự toán được duyệt, tổng chi phí bồi thường đã lên đến hơn 9 tỷ đồng. Thế mà cho đến ngày hôm nay, khi loạt cột điện cao thế đã bị tháo dỡ gần hết, chúng tôi vẫn nhận được thông tin là UB thành phố chưa đền bù cho một số hộ bị lấy đất để xây dựng cột điện. Vậy thì kinh phí bồi thường có thực sự được đến tay người dân hay không, nếu câu trả lời là không thì ai là người chịu trách nhiệm trong việc này? Phải chăng việc “giải phóng đất nhưng không chịu bồi thường” đã trở thành “năng khiếu” tệ hại đáng lên án của lãnh đạo Thành phố ?

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những thông tin tiếp theo trong các bài viết tới.

Nhóm PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục