UBND TP Việt Trì "coi trời bằng vung": Bài 7- Lối thoát nào cho vụ bán khống 164 ô đất?

(Kinhdoanhnet) - Thanh tra liên ngành của Tỉnh rồi Thanh tra của Bộ Tài chính đã xuống làm việc nhưng làm xong rồi lại đi, công việc cứ như là dân quân luyện tập theo điệu “dẫm chân tại chỗ, dẫm”.

Thời gian qua, dư luận xã hội đã bị chấn động mạnh vì việc UBND Thành phố Việt Trì, vào năm 2010, đã bán khống 164 ô đất dọc ven đường Nguyễn Tất Thành, một đường phố đẹp vào loại nhất nhì tỉnh Phú Thọ. Việc đấu giá đã hoàn tất, người trúng đấu giá đã nộp tiền, địa phương đã thu tiền vào Ngân sách, UBND tỉnh đã ban hành quyết đinh phê duyệt kết quả đấu giá và tiền bán đất đã được chi tiêu theo kế hoạch. Sẽ không có gì đáng nói nếu câu chuyện chỉ dừng ở đó. 

Nhưng sự đời không ai học được chữ ngờ, sau khi nộp tiền đấu giá, người mua chờ dài cổ suốt hơn 4 năm nay nhưng Thành phố không có đất để giao. Lý do vì lãnh đạo Thành phố đã bất chấp mọi quy định của pháp luật cho nên sau khi đấu giá mọi việc đã bị “tắc tị” làm cho cả hai bên mua và bán đã lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Vào thời điểm đó, giá đất trên thị trường đang “sốt xình xịch”, mua một bán được hai, ba là chuyện bình thường. Ai cũng mong muốn mua xong để rồi kiếm chút lợi. Nếu người nào bán trao tay ngay thì được lời chút ít, người nào nhiều vốn giữ lại để bán sau thì đúng là một vốn bốn lời. Gia đình các lãnh đạo của Thành phố Việt Trì cũng đua nhau mua, từ gia đình Chủ tịch, các phó Chủ tịch đến nhiều cán bộ chủ chốt thành phố đã tham gia đấu giá và lạ thay hầu như gia đình lãnh đạo nào cũng “may mắn” trúng giá những ô đất “đắc địa”.

Nhưng có lẽ vì quá sốt sắng cho việc kiếm lợi nhuận cho nên lãnh đạo UBND thành phố mà đứng đầu là ông Nguyễn Quốc Liên, nay đã lên Bí thư Thành ủy, đã bỏ qua nhiều quy định của pháp luật. UBND Thành phố đã tự đứng ra tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi Chính phủ đã ra Nghị định mới không cho phép UBND làm việc này và Thủ tướng cũng đã có văn bản nghiêm cấm bán đất khi chưa giải phóng được mặt bằng. Thành lập ban Đấu giá đã sai qui định, lại thêm việc đấu giá đât khi chưa giải phóng được mặt bằng, UBND thành phố đã cho lặp lại chuyện “Thằng Cuội bán vịt giời cho phú ông” ngày xưa. UB Thành phố đã tổ chức đấu giá, đã thu tiền của những người trúng đấu giá 164 ô đất khi chưa giải phóng được mảnh đất nào.

Quả là quá phức tạp. Sau nhiều lần gặp gỡ, thương thuyết, không đạt được kết quả nào. Đơn kiện của dân được gửi tứ tung đi khắp nơi từ Trung ương đến địa phương. Không chỉ đơn của người bị thu đất mà cả đơn của người trúng đấu giá. Người bị thu đất thì kiện vì Ủy ban chưa trả được tiền đền bù đã đưa đât ra bán chứng tỏ người tổ chức đấu giá đã liều mạng đi bán cái mà mình chưa có, bán đất khi chưa giải phóng mặt bằng. Người mua thì kiện việc bán hàng. thu tiền xong nhưng không có hàng, suy cho cùng thì đây là hành động lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác. 

Thanh tra liên ngành của Tỉnh rồi Thanh tra của Bộ Tài chính đã xuống làm việc nhưng làm xong rồi lại đi, công việc cứ như là dân quân luyện tập theo điệu “dẫm chân tại chỗ, dẫm”. Có lẽ để trấn an dư luận, ngày 10/7/2014 UBND Thành phố Việt Trì đã phải làm công văn số 1389/TTr – UBND để nghị UBND tỉnh Phú Thọ “thu hồi các quyết định phê duyệt kết quả đấu giá 164 ô đất” nói trên. 

Nhưng chắc chắn rằng UBND tỉnh Phú Thọ đủ hiểu được rằng việc hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá khi chưa có thỏa thuận với người mua, là việc đơn phương hủy hợp đồng mua bán, là sự bội tín và vi phạm pháp luật. Sự việc không đơn giản như UB Thành phố Việt Trì suy nghĩ. 

Khi anh đã tổ chức bán đấu giá 164 ô đất, đã thu tiền vào ngân sách, sau 4 năm không có đất, anh tự hủy quyết định dễ dàng như vậy thì xã hội còn đâu là xã hội pháp quyền. Trong công văn đề nghị UBND tỉnh hủy các quyết định phê duyệt kết quả đấu giá, UB Thành phố đã đề ra 3 phương án để xử lý câu chuyện “ đàn vịt giời”, tóm tắt lại như sau:

Phương án thứ nhất, “sáng kiến” đưa ra là dùng đất khu vực khác để trả cho người dân đã trúng đấu giá, nghe thì có vẻ xuôi tai và thuận lẽ. Nhưng thực tế nói thì dễ mà làm thì khó. Trước khi đưa sáng kiến này ra, UB thành phố cũng đã làm thử một số điểm nhưng không thành công. Ví dụ như việc Thành phố đã chọn 51 mảnh “xôi đỗ” với diện tích 7.581m2 ở khu vực khác để làm thử. Gọi là “xôi đỗ” vì 51 mảnh đất này không liền khoảnh mà nó nằm mỗi miếng mỗi nơi như nắm xôi đỗ. 

Thành phố cũng đã tiến hành gặp gỡ dân chúng để thuyết phục chấp nhận các phương án đền bù để giải phóng mặt bằng. Nhưng đã quá tam ba bận, tức là đã qua ba lần thương thảo nhưng không một ai nhận đền bù, chẳng ai chịu nhận số tiền đền bù chỉ bằng khoảng 2% giá trị thực tế được bán đấu giá sau khi giải phóng. Thế là xôi hỏng bỏng không, Thành phố chẳng có mảnh đất nào để tạm trả cho người trúng đấu giá.

Tờ trình của UBND TP Việt Trì
Tờ trình của UBND TP Việt Trì

Phương án thứ 2 là sẽ trả lại tiền cho người trúng đấu giá với mức mà họ đã nộp khi xưa cộng thêm lãi suất tiền gửi ngân hàng. Mới nghe thì cũng có vẻ thuận chiều và có thiện chí. Nhưng với hơn trăm tỷ đồng đã thu vào ngân sách từ năm 2010 và đã chi hết sau khi thu được thì Thành phố lấy đâu ra nguồn để trả. Hai nữa, với lãi suất phải trả từ năm 2010 đến nay, có những năm lãi suất tiền vay ngân hàng lên đến hơn 20%/năm, thì Thành phố có kiếm được nguồn để trả hay không, nguồn lấy từ ngân sách hay “huy động vay chợ đen” ?. Lấy ngân sách mà trả lãi thì ai chịu trách nhiệm ?, huy động chợ đen thì chắc chắn là không rồi. Chưa kể đến việc người mua và người bán sẽ không thỏa thuận được mức lãi suất phải trả khi người mua sẽ đòi theo lãi suất tiền vay ngân hàng, còn người bán thì sẽ trả theo lãi suất tiền gửi ngân hàng, sự chênh lệch giữa hai con số này không phải là nhỏ.

Phương án thứ 3 là khi người mua không chịu chấp nhận hai phương án trên thì họ sẽ phải chờ Thành phố giải phóng xong khu đất này rồi sẽ giao đất đúng như hợp đồng đã ký. Theo kế hoạch báo cáo của Thành phố thì từ nay đến hết ngày 31/12/2014 thì sẽ giải phóng xong. Nghe mà sung sướng và tin tưởng đến nhường nào, khi chỉ còn 3 tháng nữa thì sẽ giải phóng xong 164 ô đất “cứng đầu, cứng cổ” này.

Nhưng thực tế là hơn 4 năm qua, Thành phố đã không giải phóng nổi một mảnh trong số 164 ô đất nói trên thì trong 3 tháng này, liệu có họp nổi với dân một buổi nữa hay không, họp để xin lỗi chứ chưa nói gì đến giải phóng. Khi người dân đã biết rằng đất của họ được đền bù khoảng 100.000đ/m2 để rồi chính quyền bán đấu giá từ 5 đến 6 triệu đồng/m2, gấp 50 đến 60 lần giá trị đã đền bù thì việc chấp nhận đền bù cũng sẽ khó như việc Chính quyền tìm biện pháp giải phóng.

Như vậy có nghĩa là nếu chấp nhận phương án này thì có lẽ phải vài đời Bí thư Thành ủy nữa may ra giấc mơ của người dân mới thành hiện thực. Trong một cuộc phỏng vấn người dân, chúng tôi được nghe một câu nói của người dân đã trúng đấu giá: ”Nếu chỉ 03 tháng nữa mà giải phóng xong mặt bằng thì việc gì phải bàn đến 02 phương án trên”. Một câu nói rất đơn giản mà nhiều người cũng không nghĩ ra.

PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục