Yêu cầu làm rõ phương án huy động vốn mở rộng Tân Sơn Nhất

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đang đứng trước yêu cầu phải khẩn trương mở rộng, nâng cấp...

 

Yêu cầu làm rõ phương án huy động vốn mở rộng Tân Sơn Nhất - Ảnh 1
Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông từ vùng trời sân bay đến khu bay, nhà ga và hệ thống giao thông kết nối của sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giao thông vận tải hàng không, uy hiếp an ninh, trật tự và an toàn hàng không.

 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu phải làm rõ cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư cho từng danh mục công trình cụ thể.

Trong trường hợp giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là nhà đầu tư dự án, cần làm rõ căn cứ pháp lý để thực hiện theo đúng quy định nhằm bảo đảm hoàn thành, đưa các công trình vào sử dụng đồng bộ trong năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cảng hàng không dùng chung dân dụng và quân sự lớn trong hệ thống mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc, có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông từ vùng trời sân bay đến khu bay, nhà ga và hệ thống giao thông kết nối trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giao thông vận tải hàng không, uy hiếp an ninh, trật tự và an toàn hàng không.

Chính vì vậy, cảng hàng không này cần phải khẩn trương mở rộng, nâng cấp.

Hồi tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của công ty tư vấn ADP-I (Pháp). Theo phương án này, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía nam (tức phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000 m2. Nhà ga có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.

Diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.

Riêng đối với việc xây thêm nhà ga T3, một hạng mục thuộc dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngoài ACV, hiện Tập đoàn FLC cũng đang đề xuất được làm nhà đầu tư dự án này.

 

Nguyên Hà/VnEconomy.


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục