Y khoa Hoàn Mỹ: Lợi nhuận thu hẹp, nợ ngắn hạn 'phình to'

Tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục suy yếu trong khi cấu trúc tài chính trở nên kém an toàn hơn, Y khoa Hoàn Mỹ có lẽ phải tính lại bài toán mở rộng đầu tư nếu không muốn đi vào vết xe đổ của chính mình.

Công ty CP Y khoa Hoàn Mỹ đã công bố báo cáo tài chính năm 2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, giảm gần 13% so với năm 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp chủ chuỗi bệnh viện tư nhân này báo lãi giảm, sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch COVID-19.

Kết quả kinh doanh năm 2023, 2024 của Y khoa Hoàn Mỹ
Kết quả kinh doanh năm 2023, 2024 của Y khoa Hoàn Mỹ

Dù vậy, tính đến cuối năm 2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Y khoa Hoàn Mỹ vẫn tăng 30% so với cuối năm 2023, đạt xấp xỉ 1.346 tỷ đồng. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu tăng gần 11%, lên mức 2.220 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khả năng sinh lời của Y khoa Hoàn Mỹ đã suy giảm đáng kể. Cụ thể, hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 32% xuống còn 25%. Trong khi đó, hệ số lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) cũng ghi nhận ở mức 9%, tức thấp hơn 1 điểm % so với năm trước.

Đáng chú ý, phần lớn tài sản của Y khoa Hoàn Mỹ được cấu thành bởi nợ. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt khoảng 6.451 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm 66%, tương ứng 4.231 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ, Y khoa Hoàn Mỹ tiếp tục duy trì dư nợ trái phiếu ở mức 1.400 tỷ đồng – không thay đổi so với cuối năm ngoái. Theo tìm hiểu, đây là khoản nợ liên quan đến lô trái phiếu HMGH1825001, phát hành vào ngày 05/10/2018. Với kỳ hạn 7 năm, lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 05/10/2025. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ còn chưa đầy một năm để thu xếp trả nợ.

Cơ cấu nợ phải trả của Y khoa Hoàn Mỹ hai năm 2023, 2024
Cơ cấu nợ phải trả của Y khoa Hoàn Mỹ hai năm 2023, 2024

Áp lực trả nợ không dừng lại ở đó. Dù nợ vay ngân hàng đã giảm 36%, chỉ còn 843 tỷ đồng nhưng các khoản nợ phải trả khác của Y khoa Hoàn Mỹ lại tăng tới 42%, lên tới gần 1.989 tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn trong số này là các khoản nợ ngắn hạn, ghi nhận ở mức 1.942 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn “phình to” làm dấy lên lo ngại về khả năng xoay vòng vốn của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính của Y khoa Hoàn Mỹ cho thấy, một số chỉ tiêu đo lường về khả năng thanh toán đã bắt đầu xấu đi. Cụ thể, hệ số thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) cuối năm 2024 là 0,66 lần, giảm so với mức 0,98 lần ghi nhận hồi cuối năm 2023. Việc hệ số này ngày càng rời xa “ngưỡng an toàn” (1 lần) có thể được xem biểu hiện thiếu hụt tài sản lưu động để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trong ngắn hạn.

Khả năng thanh toán của Y khoa Hoàn Mỹ hai năm 2023, 2024
Khả năng thanh toán của Y khoa Hoàn Mỹ hai năm 2023, 2024

Tương tự, hệ số thanh toán nhanh ((tài sản ngắn hạn – hàng tồn kho)/nợ ngắn hạn) cũng giảm từ mức 0,92 xuống 0,61. Dù vẫn nằm trong vùng được xem là “bình thường” (0,5–1 lần), nhưng mức sụt giảm này cho thấy khả năng thanh toán của doanh nghiệp có nguy cơ bị bào mòn, đặc biệt nếu doanh thu không đạt kỳ vọng hoặc dòng tiền hoạt động bị gián đoạn.

Điểm tích cực trong bức tranh tài chính của Y khoa Hoàn Mỹ là khả năng trả lãi vay. Hệ số thanh toán lãi vay (lợi nhuận trước thuế và lãi vay/lãi vay) hiện vẫn ở mức cao, đạt 4,76, cho thấy doanh nghiệp vẫn đang tạo ra đủ lợi nhuận để trả lãi cho các khoản vay, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng nếu đà suy giảm lợi nhuận tiếp tục kéo dài, “lớp đệm” này cũng sẽ mỏng dần theo thời gian.

Được thành lập vào năm 2007 bởi bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Y khoa Hoàn Mỹ là chủ sở hữu Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện vận hành một chuỗi cơ sở y tế, bao gồm 14 bệnh viện và 5 phòng khám với tổng quy mô 2.900 giường, phục vụ hơn 5 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú mỗi năm.

Y khoa Hoàn Mỹ là chủ chuỗi bệnh viện tư nhân lớn nhất Việt Nam
Y khoa Hoàn Mỹ là chủ chuỗi bệnh viện tư nhân lớn nhất Việt Nam

Tuy nhiên, hành trình phát triển của Y khoa Hoàn Mỹ lại không được… “hoàn mỹ” như tên gọi của doanh nghiệp này. Sau giai đoạn mở rộng ồ ạt dựa trên vốn vay, hệ thống này từng đối mặt nguy cơ phá sản vào cuối những năm 2000. Nhờ vào khoản đầu tư 20 triệu USD từ VinaCapital và Duxton Asset Management năm 2009, Hoàn Mỹ tạm thời vượt qua khủng hoảng. Song, những mâu thuẫn chiến lược đã khiến các quỹ này thoái vốn chỉ sau hai năm, bán 65% cổ phần cho Fortis Healthcare (Ấn Độ) với giá 64 triệu USD.

Mối lương duyên với Fortis Healthcare cũng nhanh chóng kết thúc. Cũng sau hai năm, Tập đoàn Ấn Ấn Độ này tiếp tục bán lại cổ phần cho Richard Chandler, Tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Singapore  và thu về khoản lãi 16 triệu USD. Dưới sự điều hành của Richard Chandler (nay là Clermont Group), Y khoa Hoàn Mỹ bước vào giai đoạn mở rộng thứ hai. Doanh nghiệp liên tục thâu tóm các bệnh viện tại Đà Nẵng, TP Thủ Đức, Bình Dương... và nhiều tỉnh thành khác. Song song với mở rộng quy mô, doanh nghiệp này cũng thay đổi định hướng phát triển, đầu tư vào các tỉnh thành ngoài trung tâm.

Gần nhất, Y khoa Hoàn Mỹ đã cải tổ Bệnh viện Quốc tế Vinh, chuyển đổi thành Bệnh viện Y khoa Hoàn Mỹ Vinh quy mô 500 giường. Bệnh viện này có thể tiếp nhận tới 1.000 bệnh nhân/ngày, phục vụ nhóm dân cư phổ thông tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang đề xuất xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Vĩnh Phúc trên diện tích 2ha, quy mô 200–300 giường, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chiến lược “phủ sóng toàn quốc” của Hoàn Mỹ rõ ràng đang được triển khai một cách bài bản hơn. Nhưng mặt trái của sự tăng trưởng là gánh nặng tài chính sẽ ngày càng lớn. Khi tốc độ mở rộng nhanh hơn khả năng sinh lời, doanh nghiệp có thể dễ rơi vào “cái bẫy” của chính mình, nơi mà cái giá phải trả cho một giấc mơ “hoàn mỹ” là không hề rẻ.

Hà Lê

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục